Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ

Cập nhật: 08:26 ngày 16/12/2014
(BGĐT) -  Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ suy dinh dưỡng, phổ biến là do nuôi dưỡng kém, mẹ không có sữa hoặc thiếu sữa.
{keywords}
Ảnh minh họa.

"Trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở tỉnh ta chiếm hơn 15%. Thể suy dinh dưỡng khiến trẻ dễ mắc bệnh và tăng nguy cơ tử vong. Hiểu biết cách phòng, chống suy dinh dưỡng giai đoạn này không những tránh được bệnh và di chứng về thể chất, trí tuệ, giúp trẻ khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt mà còn giảm đáng kể khả năng suy dinh dưỡng trong các giai đoạn phát triển sau" - Bác sĩ Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Giáo dục sức khỏe Bắc Giang cho biết.

Theo bác sĩ Hồng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ suy dinh dưỡng, phổ biến là do nuôi dưỡng kém, mẹ không có sữa hoặc thiếu sữa. Có trường hợp cho trẻ ăn dặm quá sớm (dưới 4 tháng) nhưng không biết cách bổ sung dinh dưỡng khiến trẻ không đủ chất. Cai sữa cho trẻ quá sớm (dưới 1 năm) mà không được bù đắp thiếu hụt từ sữa mẹ. 

Ngoài ra khi trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, ho gà, viêm phổi, lao, hội chứng lỵ làm cơ thể bị suy yếu, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa kéo dài; nhiều bà mẹ thiếu hiểu biết cho trẻ ăn kiêng, thiếu chất kéo dài trong các đợt bị tiêu chảy như ăn cháo, bột với muối, nước mắm... cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây suy dinh dưỡng. 

Lúc này, trẻ chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân; thường biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt; hay quấy khóc, ít chơi đùa, kém linh hoạt. Một số triệu chứng dễ nhận biết như bắp thịt nhão, bụng to dần, chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng.

Để phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ, bác sĩ Hồng khuyến cáo, các bà mẹ mang thai có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng 8 - 10kg vào cuối thai kỳ; khám thai ít nhất 3 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván. Cho trẻ bú sớm ngay nửa giờ sau sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 4 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng; ăn nhiều bữa, từ tháng thứ 5 tăng thêm chất béo (dầu, mỡ, lạc, vừng). 

Thực hiện phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bằng cách: Phụ nữ có thai uống viên sắt/ acid folic hàng ngày; trẻ 6-36 tháng uống vitamin A liều cao 2 lần một năm. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ. Khi trẻ ăn cơm, bảo đảm các bữa ăn đủ món cân đối là: Rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo); canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ăn ngon miệng. 

Thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước, thực phẩm sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi đại, tiểu tiện... 

Thùy Vân (ghi)


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...