Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ

Cập nhật: 11:08 ngày 23/12/2014
(BGĐT) - Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ được xếp vào nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, thường xảy ra trong mùa đông. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời đóng vai trò quyết định trong tiên lượng bệnh, phòng ngừa biến chứng và các hậu quả lâu dài đối với trẻ - bác sĩ Đào Minh Sơn, chuyên khoa tai- mũi- họng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết.
{keywords}
Ảnh minh hoạ.

Theo bác sĩ Sơn, khi trẻ bị viêm mũi họng, vi khuẩn sẽ từ các ổ viêm lan lên tai gây viêm tai giữa. Trẻ 6 tháng đến 2 năm dễ bị  bệnh vì vòi nhĩ nối hòm tai và họng mũi ngắn hơn nên vi trùng và các chất xuất tiết ở mũi họng dễ lan lên tai giữa, nhất là khi trẻ nằm ngửa thì tai sẽ ở vị trí thấp hơn mũi họng. 

Nếu trẻ khóc, vòi nhĩ sẽ mở rộng thêm làm cho các chất xuất tiết ở mũi họng theo đó chảy vào hòm tai. Trẻ bú chai khi nằm có xu hướng bị nhiễm trùng tai nhiều hơn bé bú sữa mẹ. Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. 

Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa phát triển lời nói, sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, không rõ âm, từ...), giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này. Nặng hơn nữa  có thể dẫn đến những biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não do tai... 

Khi mắc, trẻ thường sốt cao 39-40 độ C, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn, co giật... Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ hay lắc đầu, lấy tay dụi vào tai. Có thể rối loạn tiêu hóa, đi ngoài lỏng, nhiều lần. Việc chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa ở trẻ nhỏ nhất thiết phải do các thầy thuốc chuyên khoa tiến hành. Trẻ được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời sẽ hiệu quả cao.

Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Đào Minh Sơn khuyến cáo các bậc cha mẹ giữ ấm cho trẻ nhỏ, không nên tiếp xúc với trẻ bị bệnh; tránh xa môi trường có khói thuốc lá  hoặc bị ô nhiễm. Trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật vì thế không nên cho trẻ cai bú sớm, cho bú tới khi trẻ không có nhu cầu mới thôi, nếu không có điều kiện thì cần cho trẻ bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu. 

Đặt trẻ ngồi cao khi bú bình, không cho ngậm bình sữa khi ngủ để tránh sữa chảy vào tai. Tiêm phòng bệnh đầy đủ để tăng miễn dịch; giữ vệ sinh sạch sẽ nhất là bàn tay, mũi, họng trẻ. Nếu tai bé bị dính nước, có thể dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lý vệ sinh tai, mũi nhưng sau đó phải thấm khô, tránh việc tích tụ nước gây viêm nhiễm.

  Thuỳ Vân (Ghi)


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...