Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện nghề của "Bác sĩ tâm thần"

Cập nhật: 19:10 ngày 27/12/2014
(BGĐT) - "Chỉ có ai yêu nghề, chịu được áp lực cao mới trụ lại nơi này; ai giàu lòng nhân ái, cảm thông mới giúp bệnh nhân sớm tìm lại chính mình". Đó là tâm sự của các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang về nghề nghiệp của mình.

{keywords}

 Mỗi khi bệnh nhân phát bệnh, các bác sĩ và người nhà bệnh nhân rất vất vả để điều trị, chăm sóc.    

Trong "thế giới người điên"

Những thân hình tiều tụy, tóc tai bù xù, ánh mắt vô hồn, những gương mặt bơ phờ, hoảng loạn... Tất cả tác động mạnh vào tâm trí chúng tôi khi gặp họ ở các khoa điều trị. Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang hiện có 115 cán bộ, trong đó có 18 bác sĩ. 

Mỗi năm, đơn vị tiếp nhận, điều trị khoảng 1.200 bệnh nhân với các dạng bệnh lý như: Rối loạn tâm thần, động kinh, trầm cảm, nghiện rượu..., trong đó có cả người mắc bệnh nan y. Do kinh tế gia đình eo hẹp nên khi bệnh chuyển nặng, nhiều người mới được thân nhân đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ Ngô Tiến Hưng, khoa 1 - người gắn bó 17 năm với nghề cho biết: Trong quá trình điều trị, các y, bác sĩ gặp nhiều khó khăn như người bệnh không ý thức được hành vi của mình nên thường có biểu hiện không ăn, không uống thuốc, không cho khám bệnh... Chuyện bác sĩ bị bệnh nhân giật đứt cúc áo, giật kính, ống nghe, thậm chí bị lăng mạ, đánh đuổi xảy ra như "cơm bữa". 

Thực tế, đã có nhân viên y tế bị chấn thương trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Ví như trường hợp của điều dưỡng viên khoa 1 Phạm Minh Nghĩa khi bệnh nhân lên cơn tâm thần dùng thắt lưng da vụt gẫy xương ngón tay. Hay như điều dưỡng viên Nguyễn Minh Tuấn bị bệnh nhân nam hành hung chảy máu khi đang khám bệnh...

Nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn tính mạng cho bệnh nhân cũng gian nan, vất vả không kém. Bác sĩ Trần Thị Tiệp, khoa Khám bệnh tâm sự: Với các bệnh nhân trầm cảm, khi mới vào viện, họ thường nung nấu hành vi tự sát, có thể hành động bất cứ lúc nào như: Nhảy từ nhà cao tầng xuống đất, lao xuống giếng, cho tay vào ổ điện, cắn lưỡi... Đã có nhiều đêm, các y, bác sĩ phải lặn lội tìm kiếm bệnh nhân do họ bỏ viện đi lang thang.

Ấm áp tình người

Ngoài chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm hơn 50% trong việc chữa trị bệnh nhân. Đôi khi các bác sĩ phải “hóa thân” thành người bệnh để cùng nói, cười, tâm sự, dỗ dành họ ăn, uống thuốc... 

Bác sĩ Phạm Thanh Thảo, khoa 2 giãi bày: "Hơn 20 năm trong nghề, từng chăm sóc hàng nghìn bệnh nhân, bản thân tôi rất đồng cảm với nỗi bất hạnh của họ và nỗi buồn tủi của thân nhân người bệnh. Đã bao lần tôi và đồng nghiệp bị bệnh nhân chửi mắng, hành hung nhưng chính những thời điểm ấy tự trong lòng lại thấy cảm thương họ mà không hề giận dữ."

Ngày 20-11, bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng (SN 1965) ở thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) được đưa vào viện trong tình trạng bệnh nặng. Ở nhà, mỗi khi bệnh tái phát, anh cầm gậy đánh đuổi người thân, đốt quần áo, đập phá đồ đạc... Được các bác sĩ chăm sóc tận tình chu đáo, bệnh tình của anh Hùng đã thuyên giảm. "Đã nhiều lần, gia đình phải nhốt đề phòng em tôi gây tai vạ cho người xung quanh. Nếu không có các bác sĩ, gia đình tôi không biết phải làm gì"- ông Nguyễn Văn Thái, anh trai bệnh nhân chia sẻ.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Cậy, 42 tuổi, xã Thanh Lâm (Lục Nam) nghẹn ngào: "Em không biết mình bị tâm thần và cũng không biết được đưa vào đây điều trị từ bao giờ, chỉ biết rằng em sắp được ra viện, sắp được về với các con". 

Theo người nhà chị Cậy, trước đó, chị mượn một con trâu của người thân để cày ruộng nhưng không may bị kẻ gian lấy trộm mất. Do cơ thể bị suy nhược, tiếc của, cộng với lo nghĩ nhiều nên chị bị rối loạn tâm thần.Vào viện, mấy ngày đầu, chị luôn miệng chửi bới, kêu gào, sau gần một tháng được các bác sĩ điều trị, sức khỏe chị Cậy đã trở lại bình thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Thái Long, Giám đốc Bệnh viện, do đặc thù công việc, nhiều năm qua, ít có bác sĩ mới về làm việc tại đây. Một số người khi được điều về công tác một thời gian ngắn lại xin chuyển nơi khác, phần vì lương và phụ cấp ít ỏi, phần vì áp lực công việc và những lời dị nghị là "bác sĩ tâm thần". "Chỉ những ai can đảm, yêu nghề, có trái tim đồng cảm thì mới bám trụ được ở nơi này. Và tất cả đồng nghiệp của tôi đã hội tụ được những điều cao cả đó" - bác sĩ Long nói.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...