Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bắc Giang: Giỏi chuyên môn, tận tình với người bệnh

Cập nhật: 13:30 ngày 23/01/2015
(BGĐT) - Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bắc Giang đã có nhiều việc làm sáng tạo, hiệu quả gắn với công tác chăm sóc, điều trị, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người bệnh.

{keywords}

Chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.

Chia sẻ với bệnh nhân nghèo

Ngày cuối năm, anh Trần Văn Lượng, 30 tuổi, quê ở xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng được chẩn đoán bị lao phổi, tổn thương phức tạp cần chuyển tuyến trên. Hoàn cảnh anh Lượng thật khó khăn: Anh sống đơn thân, cha mẹ đã mất, anh em mỗi người một nơi và không có thẻ bảo hiểm y tế. Thương cảm với anh, Bệnh viện đã trích 1 triệu đồng thuê xe ô tô chuyển lên bệnh viện T.Ư, hỗ trợ thêm 300 nghìn đồng từ nguồn "Quỹ dành cho bệnh nhân đặc biệt khó khăn" của đơn vị. Sự giúp đỡ kịp thời, thiết thực trên khiến nhiều bệnh nhân chứng kiến rất cảm kích. 

Được biết, ngoài anh Lượng, hai năm qua, hàng chục người bệnh nghèo được hỗ trợ tiền ăn, đi lại. Xuất phát từ thực tế không ít trường hợp đến viện rất thiếu thốn, nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng chi phí với họ, đầu năm 2012, Bệnh viện có sáng kiến xây dựng "Quỹ dành cho bệnh nhân đặc biệt khó khăn" từ sự đóng góp của cán bộ, nhân viên trong Bệnh viện. 

Sau gần một năm duy trì, thấy rõ hiệu quả, nhiều bệnh nhân tự nguyện chung tay gây quỹ. Tùy lòng hảo tâm, mỗi người thả vào hòm thư góp ý đặt tại các  khoa, phòng 10, 20, 30 nghìn đồng... Hàng tuần, bộ phận thanh tra nhân dân tiếp nhận thư góp ý, đồng thời kiểm kê số tiền quyên góp nhập quỹ. Trên cơ sở các khoa họp hội đồng người bệnh hàng tuần, hàng tháng, phát hiện trường hợp hoàn cảnh đặc biệt sẽ đề xuất để Bệnh viện hỗ trợ, trung bình từ 300-500 nghìn đồng hoặc cao hơn. Hai năm qua, tổng số tiền hỗ trợ được gần chục triệu đồng, phần quà này mang ý nghĩa rất lớn đối với người nghèo, trọng bệnh. 

Bà Đàm Thị Phương, 54 tuổi, dân tộc Nùng, ở xã Tân Quang (Lục Ngạn) bị tràn dịch màng phổi được Bệnh viện hỗ trợ nói trong sự xúc động: "Gia đình tôi có 7 nhân khẩu, chỉ trông vào 3 sào ruộng nên năm nào cũng thiếu ăn vài tháng. Đợt ốm này dài ngày, không đủ tiền ăn, may mắn được Bệnh viện giúp đỡ nên tôi mới có thể tiếp tục ở lại chữa bệnh". 

Tăng cường y đức

Học Bác về tinh thần phục vụ tận tụy, thấm nhuần 12 Điều y đức, Bệnh viện thiết lập đường dây nóng và hòm thư góp ý tại các khoa. Đặc biệt, hơn năm qua, Ban Giám đốc duy trì việc gặp gỡ bệnh nhân hàng tuần, mời ngẫu nhiên 4-5 người ở mỗi khoa tiếp nhận phản ánh về trách nhiệm, thái độ phục vụ với tinh thần “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. 

Với 175 cán bộ, y, bác sĩ, trung bình mỗi năm, đơn vị khám khoảng 10 nghìn lượt người, điều trị nội trú từ 2.600-2.800 bệnh nhân, vượt 10-15% kế hoạch. Chỉ tiêu Chương trình chống Lao quốc gia đều hoàn thành xuất sắc. Tỷ lệ bệnh nhân khỏi trung bình 93-95%, vượt 13-15% so quy định của Bộ Y tế...

"Với thái độ chân thành, cầu thị, chỉ có đồng chí lãnh đạo Bệnh viện và Phòng Điều dưỡng nên người bệnh rất thoải mái, cởi mở, bộc bạch những vấn đề còn hạn chế, ngại phản ánh công khai. Đây là cơ sở để chúng tôi chấn chỉnh công tác phục vụ ngày càng tốt hơn"- ông Lê Văn Lãi, Trưởng phòng Điều dưỡng trưởng cho hay. 

Được biết, trước đây, từ những thông tin thu thập, đơn vị phát hiện hiện tượng y tá thiếu minh bạch về số lượng thuốc tiêm, truyền cho bệnh nhân đã phải điều chuyển sang vị trí khác. Cùng đó, Bệnh viện cũng kịp thời tăng cường bàn khám, tránh ùn tắc, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; nhắc nhở cán bộ bộ phận xét nghiệm, Xquang, thăm dò chức năng có thái độ niềm nở, ân cần khi tiếp xúc với người bệnh... Do duy trì thường xuyên hoạt động này nên những mong muốn của bệnh nhân được quan tâm giải quyết, tạo nền nếp, tác phong, cách ứng xử của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng tận tình, chu đáo, mang lại sự yên tâm, tin tưởng của người bệnh khi đến viện.

Nâng năng lực chuyên môn

Để công tác điều trị, chống lao đạt hiệu quả, Bệnh viện tranh thủ nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất khang trang, bảo đảm tiếp nhận, điều trị tất cả bệnh nhân tuyến cơ sở chuyển đến; dành hàng chục tỷ đồng mua sắm thêm máy móc như siêu âm, điện quang tăng sáng truyền hình, xét nghiệm... đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá. Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, ngoài cử cán bộ đi bồi dưỡng ngắn hạn, mời chuyên gia bệnh viện T.Ư về chuyển giao kỹ thuật mới, mỗi năm, đơn vị tạo điều kiện cho 15-20 y, bác sĩ đi học nâng cao chuyên môn. Hiện, Bệnh viện có 33 bác sĩ, 10 cử nhân điều dưỡng, tăng 30-35% so 5 năm trước. 

Nhờ tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, tăng năng lực chuyên môn nên nhiều kỹ thuật phức tạp được áp dụng mang lại hiệu quả cao như nội soi phế quản, cấp cứu suy hô hấp, chẩn đoán lao và lao kháng thuốc... Từ tháng 11-2014, Bệnh viện là một trong 20 tỉnh, thành phố đi đầu cả nước triển khai phác đồ điều trị bệnh lao kháng thuốc. Hiện Bệnh viện đang quản lý, điều trị 15 người, kết quả bước đầu cho thấy sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt. Đây là tin vui cho bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh nhà.

Thu Hằng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...