Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thu hút nhân lực ngành y tế: Kỳ 1 - Khó “giữ chân” bác sĩ giỏi

Cập nhật: 09:19 ngày 27/12/2016
(BGĐT) - Hiện nay, cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao thường tập trung tại đô thị lớn. Ở tuyến xã và huyện, đội ngũ này vừa ít về số lượng, vừa hạn chế về trình độ. Ngay cả nhiều khoa lâm sàng của bệnh viện tuyến tỉnh cũng thiếu bác sĩ giỏi. Thực tế đó dẫn đến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các vùng miền có sự chênh lệch, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân.
{keywords}

Xét nghiệm cận lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu

Theo Sở Y tế, hiện toàn ngành có 1.336 bác sĩ trên tổng số 5.914 cán bộ, nhân viên. Qua khảo sát tại các bệnh viện, phần lớn nhân lực là bác sĩ đa khoa. Trình độ chuyên khoa sau đại học có 400 bác sĩ nhưng chuyên khoa II chỉ có 50 người, chủ yếu làm công tác quản lý. Số lượng bác sĩ chuyên khoa sâu còn thiếu nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu triển khai các dịch vụ y tế chất lượng cao. Hầu hết cơ sở điều trị công lập, nhất là bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa, khối y tế dự phòng đều thiếu bác sĩ các chuyên ngành như: Truyền nhiễm, lao, phong, tâm thần, HIV/AIDS, pháp y, giải phẫu bệnh, phục hồi chức năng… 

Qua tìm hiểu, Bệnh viện Tâm thần hiện có 119 cán bộ, nhân viên đang quản lý điều trị hơn 8 nghìn bệnh nhân tâm thần, động kinh tại cộng đồng nhưng chỉ có 17 bác sĩ, trong đó mới có 1 người chuyên khoa II. Theo quy định, bệnh viện cần gấp đôi số đó nhưng nhiều năm nay việc tuyển dụng rất khó khăn. Phần đông bác sĩ làm việc tại đây một thời gian lại tìm cách chuyển đi nơi khác. Hay như Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện hạng 1, quy mô 700 giường nhưng cũng chỉ có 17 bác sĩ chuyên khoa II. Một số chuyên khoa như: Ung bướu, tim mạch, chỉnh hình, truyền nhiễm… thiếu trầm trọng bác sĩ tay nghề cao. 

Ông Đào Minh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, đơn vị phải huy động toàn bộ bác sĩ làm công tác quản lý trực tiếp tham gia điều trị cho người bệnh. Đồng thời tạo điều kiện cho y sĩ học lên bác sĩ, bác sĩ đa khoa tiếp tục đi đào tạo chuyên khoa nhằm nâng cao trình độ đội ngũ, giải quyết tình trạng thiếu hụt tại chỗ. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động, cả Khoa Sản chỉ có 1 bác sĩ chuyên ngành sản làm trưởng khoa. Các khoa như răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng, mắt, da liễu… của Bệnh viện Đa khoa Tân Yên, mỗi khoa cũng chỉ có 1 bác sĩ, trong khi yêu cầu phải có từ 2 trở lên.

Thực tế những năm qua, nhiều bác sĩ đa khoa đã công tác tại các bệnh viện sau khi đi học chuyên khoa sau đại học có xu hướng chọn nơi làm việc ở các đơn vị tuyến trên, TP lớn hoặc cơ sở y tế tư nhân mà không về công tác tại huyện. Một số bác sĩ xin thôi việc tại bệnh viện công lập để chuyển đến làm việc ở các bệnh viện tư nhân. Tháng 8-2016, một bác sĩ quản lý Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa xin thôi việc để chuyển sang đơn vị khác. 

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Thân Nhân Cường đang làm việc tại phòng khám ngoài công lập tại Hà Nội cho biết: “Trước đây, tôi công tác ở Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên nhưng sau khi học xong chuyên khoa I về hồi sức cấp cứu, tôi xin ở lại Hà Nội. Ở đây, tôi có điều kiện phát huy tay nghề và có nhiều thuận lợi trong tiếp cận kỹ thuật y học tiên tiến”. Điều này cũng dễ lý giải vì sao phần lớn bác sĩ có tay nghề đều muốn bám trụ tại các TP lớn. Bởi ngoài làm cho các cơ sở y tế công lập thì việc làm ngoài giờ cũng dễ dàng, thu nhập cao.

Một thực tế khác đáng quan tâm là nhân lực y tế đang có sự mất cân đối giữa các vùng miền. Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động có 40 bác sĩ nhưng chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa II đều làm công tác quản lý. Các phòng khám Đa khoa khu vực Tân Sơn (Lục Ngạn); Mai Sưu (Lục Nam); Mỏ Trạng (Yên Thế)… nhiều năm thiếu bác sĩ chuyên khoa sau đại học. Trong các đợt tuyển viên chức sự nghiệp y tế gần đây, hầu hết các bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy chỉ đăng ký dự tuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh. 

Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nhân lực chuyên sâu dẫn đến khó triển khai dịch vụ kỹ thuật cao, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Còn các cơ sở y tế công lập khác, nhất là bệnh viện đa khoa các huyện miền núi, vùng cao ít có bác sĩ dự tuyển. Như năm 2015, Sở Nội vụ đưa ra chỉ tiêu tuyển 93 bác sĩ nhưng chỉ tuyển được 83 người. 10 bác sĩ có quyết định tuyển dụng về các bệnh viện tuyến huyện nhưng không đến nhận quyết định. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do môi trường làm việc chưa hấp dẫn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, thu nhập không cao, áp lực công việc lớn. Trong khi đó, họ có sự lựa chọn khác phù hợp với năng lực chuyên môn ở các bệnh viện lớn có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, cơ hội trải nghiệm, nắm bắt kỹ thuật tiên tiến, nâng cao tay nghề.

Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh ngành y trong những năm gần đây tăng đáng kể song do đặc thù thời gian đào tạo dài nên phải sau 6-7 năm mới có nguồn nhân lực bổ sung. Thêm vào đó, Luật Khám, chữa bệnh quy định bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học phải có ít nhất 18 tháng làm việc trực tiếp tại cơ sở y tế mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề.

Triển khai dịch vụ chất lượng cao hạn chế

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Trưởng phòng Tổ chức (Sở Y tế), phần lớn các cơ sở điều trị thiếu đội ngũ chuyên sâu để đáp ứng các dịch vụ chất lượng cao. Trong khi đó, năng lực ở một số đơn vị y tế còn hạn chế, chưa thích ứng với sự thay đổi cơ cấu bệnh tật cũng như nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Hầu hết, các trạm y tế đều khó thu hút bệnh nhân, kể cả những đơn vị đạt bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã. Thậm chí, khi mắc những bệnh thông thường, người dân cũng không đến khám, điều trị tại tuyến cơ sở. Như tại TP Bắc Giang, trạm y tế các phường đều vắng vẻ, thường chỉ có bệnh nhân trong ngày tiêm chủng định kỳ hằng tháng.

{keywords}

Nhân viên y tế Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh chăm sóc trẻ sơ sinh.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, ngành y tế mở thêm các chuyên khoa sâu như: Đơn vị nội soi tiêu hóa, ung bướu, kỹ thuật xạ trị, hóa trị, lão khoa… nên nhu cầu bổ sung bác sĩ rất bức thiết. Trong khi chính sách về tiền lương còn có những bất cập, cơ sở vật chất, môi trường làm việc tại một số bệnh viện chưa hấp dẫn thì những cơ sở y tế tư nhân ở đô thị lớn có cơ chế đãi ngộ thu hút đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu về làm việc khiến chất xám “chảy” từ bệnh viện công sang bệnh viện tư hoặc dẫn đến tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”. 

Thiếu bác sĩ chuyên khoa, các thiết bị hiện đại không phát huy hết công năng, giá trị, nhiều cơ sở y tế tuyến dưới không thu hút được bệnh nhân gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Như tại Bệnh viện Đa khoa TP Bắc Giang, mặc dù nằm ngay trung tâm nhưng thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu, chưa thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong các lĩnh vực tim mạch, ung bướu, chấn thương, chỉnh hình… Tháng 12-2016, đơn vị đã được giải thể để thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác. 

Tương tự, năm 2016, do không có người sử dụng một số phương tiện hiện đại, Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động phải rà soát các loại trang thiết bị hiện có, xây dựng kế hoạch cử cán bộ đi học tập, chuyển giao kỹ thuật phục vụ hoạt động chuyên môn. Do đó, Bệnh viện chưa triển khai được nhiều kỹ thuật mới trong lĩnh vực ngoại chấn thương chỉnh hình, mổ nội soi…

Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nhân lực chuyên sâu dẫn đến khó triển khai dịch vụ kỹ thuật cao, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Vì thế, khi mắc các bệnh hiểm nghèo, người dân thường tìm về tuyến T.Ư điều trị làm gia tăng gánh nặng chi phí và quá tải ở các bệnh viện lớn.

Nhóm PV VH-XH

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...