Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Năm 2017: Đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ và truy xuất thực phẩm an toàn

Cập nhật: 20:47 ngày 02/01/2017
Đây là chỉ đạo được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác năm 2016 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội.
{keywords}
Kiểm tra ATVSTP và nguồn gốc thực phẩm.    Ảnh: TM

Xử phạt trên 33 tỷ đồng vi phạm về ATTP

Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội đến các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra sự thay đổi và chuyển biến cơ bản tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Trong năm 2016, cả nước đã thành lập 22.667 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 345.112 cơ sở, phát hiện 56.984 cơ sở vi phạm,  xử lý 13.313 cơ sở trong đó phạt tiền 8.926 cơ sở với số tiền trên 33 tỷ đồng.

So với năm 2015, việc xử lý về ATTP trong năm 2016 mạnh mẽ hơn, số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6%  lên 23,4%; hình thức cảnh cáo, nhắc nhở đã giảm và dần được thay thế bằng phạt hành chính, tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% lên 67%.

Ngoài ra, qua các đợt thanh kiểm tra đột xuất, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý hàng chục nghìn vụ vi phạm với tổng số tiền phạt trên 56 tỷ đồng; tịch thu và tiêu hủy lượng hàng hóa thực phẩm trị giá hơn 40 tỷ đồng; chuyển truy tố hình sự 4 vụ.

Đáng chú ý có 11 tỉnh/thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và giám sát chủ động về ATTP trên địa bàn đối với nước đóng bình, các mẫu thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, các mẫu giò chả, bún phở...

Tại cuộc họp, một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 được các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất như: Triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội xuân năm 2017. Tháng an toàn thực phẩm 2017 được đề nghị giữ nguyên chủ đề về nông nghiệp để tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP đối với các loại thực phẩm tươi sống, xử lý dứt điểm việc sử dụng các chất cấm như salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm...

Tăng cường thanh tra và năng lực kiểm nghiệm

Đồng tình với những nhiệm vụ về bảo đảm ATTP triển khai trong năm 2017 theo đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những chuyển biển tích cực trong công tác ATTP có vai trò rất lớn của địa phương với những cách làm khác nhau như TP.Hồ Chí Minh đề nghị lập cơ quan chuyên về ATTP trong khi TP. Hà Nội lại siết chặt trách nhiệm bảo đảm ATTP đến tận quận/huyện, xã phường. “Các bộ, ngành cần theo sát, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời trong quá trình triển khai tại các địa phương để đánh giá hai mô hình trên. Đồng thời khẩn trương báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm thanh tra ATTP ở quận/huyện, xã/phường, làm cơ sở đề xuất nhân rộng mô hình này tại một số địa bàn nóng về vấn đề ATTP”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh công tác thanh tra phải đi đôi với tăng cường năng lực kiểm nghiệm thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương huy động tất cả các phòng kiểm nghiệm sẵn có đủ điều kiện hoặc hỗ trợ những cơ sở đã gần đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm ATTP, thậm chí cả trong kiểm tra chuyên ngành về ATTP. Đồng thời kêu gọi các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này, tránh tình trạng cục bộ của một số ngành, địa phương.

Từ những kết quả tích cực của các mô hình chuỗi thực phẩm nông, lâm, sản an toàn đã được triển khai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý trong năm 2017 Bộ NN&PTNT tập trung phối hợp với các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân khi có các chương trình vay vốn của hội viên thì lồng ghép, vận động phát triển sản xuất theo chuỗi. Tại các đô thị lớn thì đẩy mạnh hệ thống phân phối, bán lẻ thực phẩm an toàn. 

“Năm 2017, chúng ta nên tập trung vào chuỗi sản xuất, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm sạch và hệ thống bán lẻ, phân phối ở đô thị lớn. Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng với truyền thông mạnh mẽ tại một số thành phố như Hà Nội, đã xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch, có thể truy suất nguồn gốc rõ ràng, chứ không chỉ có trong siêu thị như trước đây. Người tiêu dùng cũng đã ý thức hơn trong mua và sử dụng thực phẩm sạch. Điều này sẽ tạo chuyển biến về ATTP đến tận các chợ nhỏ lẻ, truyền thống”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Nguyễn Hoàng (SK&ĐS)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...