Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ 6- 15 tuổi

Cập nhật: 14:19 ngày 16/02/2017
Năm 2017- 2018, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ 6-15 tuổi tại những vùng nguy cơ cao. Việc tiêm miễn phí vắc xin này cho trẻ 1-2 tuổi vẫn như thường lệ. Đó là thông tin được đưa ra từ Hội nghị phòng chống dịch khu vực miền Bắc do Bộ Y tế tổ chức ngày 15-2 tại Hà Nội.

{keywords}

Ảnh minh họa

Theo đó, để chủ động phòng bệnh, trong năm 2017-2018, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai đợt tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ 6-15 tuổi ở các huyện có nguy cơ cao. Trẻ được tiêm 3 vòng, vòng 2 cách vòng thứ nhất 1 đến 2 tuần. Vòng 3 cách vòng thứ hai 1 năm.

Đợt tiêm này dự kiến thực hiện tại 28 huyện của 16 tỉnh thành trên cả nước, tại các huyện có nguy cơ cao là nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản dưới 80% hoặc tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao hay có ca tử vong. Một trong số các huyện đó là Sốp Cộp, Mai Sơn (tỉnh Sơn La) với hơn 23.000 đối tượng, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Điện Biên, Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) hơn 33.000 đối tượng; Cao Lộc, Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) với hơn 10.000 đối tượng, Ba Tơ, Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) với hơn 8.000 đối tượng…

Đối tượng được tiêm trong đợt này là những trẻ chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm. Ước tính có khoảng gần 180.000 trẻ em. Đợt tiêm bổ sung được triển khai nhằm củng cố miễn dịch trong cộng đồng. Bên cạnh đó, trẻ 1-2 tuổi vẫn được tiêm miễn phí theo lịch hàng tháng như hiện nay.

Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, có thể gây ra những biến chứng như suy hô hấp, co giật, viêm phổi... Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 30-50% trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.

Trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 1.000 ca viêm não do virus, trong đó viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10%. Gần 60% ca được ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc. Lứa tuổi mắc chủ yếu là 1-10 tuổi; đa phần không rõ tiền sử tiêm chủng. Đỉnh cao dịch bệnh là tháng 6 và tháng 7.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, ngoài ra cha mẹ không nên để trẻ chơi gần bụi rậm, đi ngủ phải mắc màn. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm vắc xin mũi một lúc một tuổi; mũi 2 sau mũi một 1-2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt hơn 80%; tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Lao động

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...