Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu cần lưu ý điều gì?

Cập nhật: 20:41 ngày 16/02/2017
Bệnh nhân đang có thai mà mắc thủy đậu cũng cần theo dõi sát sao để tránh xảy ra biến chứng, đặc biệt là khi thai đang trong giai đoạn 3 tháng đầu.

{keywords}
Thai phụ Nguyễn Thị H. đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. 

Mùa đông xuân năm nay, bệnh nhân mắc thủy đậu nhập viện khá nhiều, có cả những trường hợp lây từ con sang mẹ. Từ tháng 10-2016 đến nay, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có 3 - 5 ca khám thủy đậu và bác sĩ phải chỉ định điều trị nội trú cho khoảng 3 - 5 ca/tháng. Những ca nhập viện thường bị bội nhiễm gây viêm phổi, viêm não.

Theo Tiến sĩ (TS) Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, một ca bệnh rất đáng chú ý nhập viện trong ba ngày trước là một thai phụ đang ở thai tuần thứ 10.

Thai phụ Nguyễn Thị H. (23 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) đang mang thai 10 tuần. Trước đó hai tuần, H. có tiếp xúc với cháu trai bị mắc thủy đậu. Bệnh nhân nhập viện ngày 13-2 với triệu chứng sốt phát ban, nổi phỏng nước từ mặt và lan ra toàn thân. Theo dõi vài ngày ở viện, hiện tại sức khỏe của mẹ và thai nhi chưa phát hiện biến chứng gì nguy hiểm.

TS. Đỗ Duy Cường cho biết, nếu thai phụ mắc thủy đậu trong ba tháng đầu thì không tránh được ảnh hưởng tới thai nhi. Có thể xảy ra những biến chứng gây dị dạng thai nhi như câm, điếc bẩm sinh. Tuy nhiên theo bác sĩ Cường thì những ca gặp biến chứng như vậy rất hiếm. Giai đoạn này, thai phụ cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, nếu sốt có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm.

Dù không phải là virus nguy hiểm gây dị dạng thai nhi như Rubella, nhưng thai phụ mắc thủy đậu cũng cần phải theo dõi cực kỳ cẩn thận, có sự đồng theo dõi của bên sản khoa để đưa ra những tư vấn với thai phụ kịp thời. Vì thế, TS. Cường khuyến cáo các bà mẹ nên chuẩn bị sẵn sức khỏe, tiêm phòng thủy đậu trước khi có bầu để tránh bị nhiễm thủy đậu trong quá trình mang thai.

Triệu chứng chủ yếu của thủy đậu là có phát ban dạng nốt phỏng, chủ yếu ở mặt, tay, chân và kèm sốt. Nếu không chăm sóc tốt, sẽ gây vỡ mụn nhiễm trùng, để lại sẹo. Một số trường hợp để bội nhiễm hóa mủ, ăn sâu xuống lớp da tạo sẹo. Bệnh nhân thủy đậu có thể gặp biến chứng viêm phổi, viêm màng não. Thuỷ đậu với người suy giảm miễn dịch làm nặng thêm bệnh đó và gây nguy hiểm tính mạng.

Cũng là bệnh lây qua hô hấp, nhưng dù có triệu chứng điển hình ở nốt phỏng, nhiều người dân vẫn nhầm sang sốt phát ban hoặc dị ứng nên đi khám không đúng cơ sở y tế như truyền nhiễm, dị ứng hay da liễu, dẫn tới chẩn đoán sai. Do đó, cách phòng bệnh hiệu quả nhất theo khuyến cáo của ngành y tế là người dân phải tiêm vắc xin.

TS. Cường cũng phản bác quan điểm của người dân là kiêng nước, kiêng gió quá kỹ, dẫn tới bị bội nhiễm. Vì thủy đậu là virus lây qua đường hô hấp và trung bình thủy đậu ủ bệnh một tuần, nên phải chăm sóc và cách ly người bệnh trong quá trình mắc bệnh; rửa chân tay khi tiếp xúc với người bệnh. Có thể dùng nước lá để tắm rồi lau khô, bôi thuốc xanh methylen để khô vết phỏng, tránh bị nhiễm trùng.

Theo Nhân dân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...