Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dùng thuốc cam tùy tiện: Thương con như thế...

Cập nhật: 07:00 ngày 18/02/2017
(BGĐT) - Thấy con biếng ăn, còi cọc, thay vì đưa đến khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, điều trị, nhiều bậc cha mẹ đã truyền tai nhau tự mua thuốc cam của các thầy lang về sử dụng nhằm bồi bổ và chữa bệnh mà không biết đã vô tình rước độc vào người con em mình. Hậu quả là nhiều cháu bị nhiễm độc chì, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trí tuệ.
{keywords}

Bác sĩ Trung tâm phòng chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khám, tư vấn cho bệnh nhi nghi bị nhiễm độc chì.

Nhiều trẻ bị nhiễm độc

Sốt ruột vì con biếng ăn, chậm lớn, gia đình anh Hoàng Văn Giang, thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị (Lục Nam) đã mua thuốc cam pha với nước cơm cho con gái là cháu Hoàng Tâm An uống ròng rã mấy tháng. Sau đó, cháu An có biểu hiện co giật, tím tái, bỏ bú, hôn mê, gia đình vội đưa cháu nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bị nhiễm độc chì thể nặng. Được điều trị thải chì tích cực, cháu An mới thoát khỏi nguy kịch nhưng di chứng để lại rất nặng nề về thể lực và trí tuệ.

Một nạn nhân khác là bé Dân Quốc Trung, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) được chuyển đến Trung tâm Phòng chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng trí tuệ chậm phát triển. Chị Nguyễn Thị Hải, mẹ cháu Trung cho biết, lúc khoảng 6 tháng tuổi, thấy bé bú ít, kém ngủ nên gia đình cho uống thuốc cam mua ở chợ Kế về sử dụng nhiều tháng liên tục. Năm nay, Trung đi học, thấy con tiếp thu chậm, ít nói, nhút nhát nên gia đình đưa đi khám. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận hàm lượng chì trong máu của cháu rất cao, vượt ngưỡng cho phép. Được hỗ trợ thở máy kết hợp sử dụng thuốc thải chì liên tục 3 đợt, đến nay sức khỏe của Trung đã dần ổn định. 

Theo ghi nhận, huyện Lục Nam có nhiều trẻ bị nhiễm độc chì do sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Đợt khảo sát, khám sàng lọc vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai kết luận 24 cháu bị nhiễm độc chì, trong đó riêng xã Tam Dị có 15 cháu. Người nhà của các cháu cho biết đã từng mua thuốc cam của bà lang tên là Tiến tại chợ Thanh Dã, xã Tam Dị (chưa được cấp phép hành nghề, hiện không thấy xuất hiện tại đây nữa). 

Bắc Giang là một trong 12 tỉnh có số trẻ bị nhiễm độc chì cao nhất toàn quốc do sử dụng thuốc cam của các thầy lang chưa được cấp phép hành nghề. Theo thông báo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 50 trẻ em được điều trị tại Trung tâm Phòng chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ngoài ra trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều trẻ có nguy cơ nhiễm độc chì nhưng chưa được cảnh báo kịp thời. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Phòng chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Hầu hết bệnh nhi được phát hiện đã ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân là do nhiều người tin rằng thuốc cam có tác dụng chữa các triệu chứng ở trẻ như: Chảy dãi, trắng lưỡi, lười ăn… nên đã mua loại thuốc này cho con uống hoặc bôi vào lợi, lưỡi của bé. Loại thuốc này thường chứa hàm lượng chì lớn, khi cho trẻ em sử dụng dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính.

Chú trọng truyền thông

Theo tư vấn của bác sĩ Đồng Xuân Sắc, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Giang), thông thường trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, lười chơi, vô cảm, nhận thức chậm. Khi có biểu hiện nặng ở hệ thần kinh trung ương có thể gây hôn mê, co giật, mù, liệt… Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi không có biểu hiện lâm sàng nên việc chẩn đoán ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam rất khó, chỉ xét nghiệm máu mới có kết luận chính xác. Ngay cả khi đã tìm ra bệnh thì việc điều trị thải độc chì cũng đòi hỏi thời gian dài, kéo theo tổn thương về thể chất và trí não khó có thể hồi phục.

Trước tình trạng trên, trong tháng 1, tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khám, tư vấn, xét nghiệm cho 108 trẻ nghi nhiễm độc chì chủ yếu tập trung ở các huyện Lục Nam, Tân Yên và TP Bắc Giang. Trong đó có 37 cháu từng điều trị thải độc chì tại Trung tâm Phòng chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Để phòng ngộ độc chì, các bác sĩ khuyến cáo, khi điều trị bệnh, gia đình cần đưa trẻ đến những địa chỉ uy tín, có đầy đủ chứng chỉ cấp phép hành nghề. Nếu dùng thuốc thấy có biểu hiện bất thường cần dừng ngay và đưa trẻ đi khám. Phụ huynh đã trót cho con dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc nên cho trẻ đi xét nghiệm hàm lượng chì trong máu, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. 

Ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Thời gian tới, các địa phương cần chú trọng giáo dục truyền thông, nâng cao hiểu biết cho người dân về công tác chăm sóc sức khỏe, không tự ý sử dụng thuốc nam khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân và phòng y tế các huyện, thành phố siết chặt kiểm tra việc các thầy lang hành nghề trái phép ở thôn, bản, vùng khó khăn; vận động người dân không tự ý dùng thuốc để tránh nguy hiểm đến tính mạng”.

Minh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...