Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngăn chặn nguy cơ gây hại từ người nghiện, người tâm thần

Cập nhật: 08:29 ngày 21/03/2017
(BGĐT) - Tình trạng bệnh nhân "ngáo đá", tâm thần không làm chủ được hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người xảy ra ngày càng nhiều khiến dư luận lo ngại. Giải pháp quản lý kết hợp điều trị đúng phác đồ sẽ giúp bệnh nhân ổn định sức khỏe, giảm nguy cơ gây hậu quả tiêu cực cho cộng đồng.
{keywords}

Bệnh nhân nghiện ma túy lao động tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội (Sở Lao động - Thương binh và xã hội).

Mất kiểm soát hành vi

Thường ngày, nhiều người đi chợ Thương (TP Bắc Giang) vẫn bắt gặp một số đối tượng nghiện loanh quanh xin tiền. Nhiều người lo lắng không biết có nên cho hay không? Bởi cho không đành vì ngày nào cũng gặp, nếu không cho thì liệu những đối tượng này có làm gì ảnh hưởng đến mình và những người xung quanh? 

Qua tìm hiểu, trong số các đối tượng nghiện xin tiền của khách có N.V.M, ở đường Nguyễn Cao, phường Ngô Quyền. M nghiện ma túy tổng hợp, lúc phê thuốc thường có hành vi quá khích. Trong cơn “ngáo đá”, M từng châm lửa đốt, đập vỡ nhiều đồ đạc, vật dụng, cầm dao đuổi đánh người thân…

Tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn), nhiều người rất sợ khi ra phố gặp N.T.B, một đối tượng tâm thần có bệnh án rất hung dữ. B thường xuyên xin tiền, đồ ăn của người đi chợ, nếu bị từ chối sẽ đánh. Nguy hiểm hơn, lúc nào trong người B cũng có dao, kéo, gậy… Nhiều người vô tình trở thành nạn nhân khi B không làm chủ được bản thân, thậm chí có trường hợp bị B chọc mù mắt.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.014 người nghiện có hồ sơ quản lý, gần 2 nghìn người nghi mắc nghiện và hơn 8 nghìn bệnh nhân tâm thần có bệnh án. Tình trạng người nghiện và tâm thần có xu hướng quấy rối, thậm chí gây án có chiều hướng gia tăng. Nạn nhân đa phần là người thân và những người sống xung quanh đối tượng. Nguyên nhân một phần do công tác quản lý người nghiện, người tâm thần chưa được chú trọng đúng mức. 

Nếu như trước đây, người nghiện chủ yếu sử dụng cần sa và heroin thì nay phổ biến là ma túy tổng hợp. Xu hướng mắc nghiện mới ở giới trẻ là sử dụng ma túy đá để chứng tỏ chất chơi sành điệu. Đây là những chất kích thích thần kinh mạnh dẫn tới hoang tưởng, ảo giác, không làm chủ được bản thân, có những hành vi gây hại cho mình và mọi người. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ gây mất an ninh trật tự sau khi sử dụng ma túy. Ví dụ như Chu Quý (SN 1971) ở số nhà 11, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) sau khi sử dụng ma túy đã đột nhập vào ki ốt số 9, Kho gạo Hà Vị, đường Nguyễn Công Hãng la hét, đốt lửa và đập phá tài sản. Nguyễn Văn Vũ (SN 1989) ở thôn Phố, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) khống chế vợ, không cho ra khỏi nhà do bị ảo giác sau khi “đập đá”…

Tương tự, nguy cơ người tâm thần có hành động bột phát, gây rối, xâm phạm sức khỏe của người khác cũng rất cao. Với những bệnh nhân tâm thần phân liệt, mỗi khi lên cơn đập phá, cực chẳng đã nhiều gia đình phải nhốt, xích lại. Trong khi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh có quy mô 130 giường, lúc cao điểm điều trị nội trú cho 170-180 bệnh nhân. Bởi vậy, việc giám sát hành vi của người tâm thần thường chỉ trông vào gia đình người bệnh.

Quản lý, giám sát, chữa bệnh

Theo bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Xuân Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, hiện nay có khoảng 300 loại bệnh tâm thần, trong đó 95-98% người mắc thể tâm thần phân liệt để lại di chứng, khả năng tái phát cao. Nhiều bệnh nhân bị tâm thần do lạm dụng rượu, ma túy tổng hợp. Mỗi năm, Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị cho khoảng 1,3 - 1,4 nghìn lượt bệnh nhân. Riêng từ năm 2014 - 2016, cơ sở này chăm sóc sức khỏe cho 151 ca bệnh nghiện ma túy đá bị rối loạn tâm thần. Bệnh nhân “ngáo đá” có biểu hiện như người tâm thần, mất kiểm soát, ảo giác, hoang tưởng. 

Có không gian rộng với diện tích hơn 13 ha, quy mô tiếp nhận từ 500 đến 600 đối tượng nhưng Trung tâm Giáo dục - Lao động  xã hội, tại xã Ngọc Châu (Tân Yên) chỉ có 50 trường hợp cai nghiện bắt buộc. Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc Trung tâm, bệnh nhân đến đây được áp dụng quy trình chăm sóc đặc biệt để cắt cơn, phục hồi sức khỏe, đào tạo nghề, lao động, sinh hoạt văn hóa, thể thao nhằm giáo dục hướng thiện. Nhiều khu nhà chăm sóc, điều trị xây dựng khang trang, rộng rãi từ ngân sách nay phải đóng cửa không sử dụng. Một trong những nguyên nhân là do thủ tục đưa người đi cai nghiện bắt buộc rườm rà, chồng chéo khiến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khó triển khai. 

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Khoái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Đối với gia đình có con em mắc nghiện cần phối hợp liên hệ với các trung tâm cai nghiện tại cộng đồng động viên đưa đối tượng đi cai sớm. 

Bệnh nhân nghiện cũng cần kiên trì thực hiện phác đồ điều trị cai nghiện theo chỉ định của bác sĩ tại cơ sở y tế, nhất là điều trị bằng Methadone. Các địa phương tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp mọi người nhận thức đầy đủ về tác hại của ma túy; vận động, thuyết phục, cảm hóa người nghiện xóa bỏ mặc cảm, quyết tâm điều trị bệnh, chăm chỉ lao động sản xuất, hòa nhập cộng đồng, tránh tái nghiện. Kịp thời phát hiện, điều trị cho những người nghiện ma túy đá dẫn tới tâm thần. Người thân dành thời gian gần gũi, quan tâm, hướng con em vào những hoạt động vui chơi bổ ích, lành mạnh...

Đối với người bị bệnh tâm thần cần được giám sát, điều trị ổn định sức khỏe. Trách nhiệm, sự quan tâm và hỗ trợ người bệnh, đưa bệnh nhân đang trong giai đoạn cấp tính đến bệnh viện khám, tư vấn, điều trị từ phía gia đình là rất quan trọng. Khi bệnh ổn định, người nhà vẫn phải thường xuyên nhắc nhở họ uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh để bệnh nhân bị kích động, phát bệnh trở lại. Nếu phát hiện người tâm thần lang thang, chính quyền địa phương tìm hiểu, liên hệ với người thân đón về hoặc đưa vào các cơ sở chuyên khoa để điều trị.

Ông Đào Hồng Song, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Bố trí thêm các điểm cấp phát thuốc Methadone

Nhu cầu uống thuốc thay thế Methadone của người nghiện rất lớn, trong khi khả năng tiếp nhận của các trung tâm, cơ sở điều trị có giới hạn. Vì các điểm cấp phát, uống Methadone chưa thuận tiện, khoảng cách di chuyển xa nên tỷ lệ người bệnh được uống thuốc hằng ngày chưa cao. Do vậy, thời gian tới cần bố trí thêm các điểm cấp phát thuốc tại vị trí thuận lợi, giảm dần khoảng cách di chuyển; ưu tiên địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện đến điều trị, hạn chế tối đa trường hợp tái nghiện. 

Ông Hoàng Khánh, Trưởng Công an xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang): Quan tâm tạo việc làm,  cảm hóa người lầm lỡ 

Hiện nay, số người tái nghiện cao, khó hòa nhập cộng đồng một phần do thiếu việc làm, trong xã hội vẫn có tâm lý kỳ thị, xa lánh. Tại xã Tân Mỹ có hàng chục cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng chỉ có một đến hai doanh nghiệp đồng ý tiếp nhận lao động là người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và đang tham gia chương trình điều trị Methadone vào làm việc. Thiết nghĩ, bên cạnh công tác quản lý, cơ quan chức năng cần vận động, thậm chí có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận những người từng lầm lỡ vào làm việc. Địa phương, các hội, đoàn thể giúp đỡ, hỗ trợ về vốn sản xuất, tạo động lực cho họ làm lại cuộc đời. 

Bà Nguyễn Thị Mai, phố Tân Hòa, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên): Yêu thương, chia sẻ kết hợp điều trị đúng cách 

Con trai tôi là Trần Đình Tuấn (SN 1973) từ lúc mới chào đời tuy cơ thể phát triển bình thường nhưng đầu óc lại không được nhanh nhẹn. Từ khi gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần thăm khám, được bác sĩ hướng dẫn liệu pháp chăm sóc kết hợp uống thuốc thường xuyên nên bệnh đã thuyên giảm. Khi giao tiếp, nếu dùng lời nói ngọt ngào, cử chỉ yêu thương, dỗ dành thì Tuấn rất nghe lời. Tôi tập cho con biết vệ sinh cá nhân hằng ngày và một số công việc nhẹ như: Đào đất trồng cây, tưới rau, nấu cơm, cho gà ăn… Nhờ đó cháu vui vẻ, phấn chấn hơn khi thấy bản thân có ích cho gia đình.  

Nhóm PV VHXH

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...