Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thuốc gia truyền ở bản Vua Bà

Cập nhật: 07:00 ngày 09/04/2017
(BGĐT) - Bản Vua Bà thuộc xã Trường Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) nằm dưới chân dãy Yên Tử là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y. Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn lưu giữ những bài thuốc gia truyền có công dụng chữa được nhiều bệnh.
{keywords}

Bà Bàn Thị Tình phơi lá thuốc.

Điều kiện tự nhiên lý tưởng vùng núi rừng Tây Yên Tử tạo thuận lợi cho những loài thực vật sinh trưởng, phát triển. Theo kết quả điều tra sơ bộ, rừng Yên Tử có tới 728 loài thực vật và 226 loài động vật, trong đó hàng chục loài động, thực vật thuộc loại quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hàng trăm loài thực vật ở đây được người Dao dùng làm thuốc chữa bệnh. Trong đó có những cây như: Sa nhân, hoàng tinh lá có cánh, ngũ gia bì, châm chim, râu hùm, mộc hoa trắng, ba kích, sa nhân…. 

Người Dao ở bản Vua Bà với kinh nghiệm của mình đã nhận ra công dụng của nhiều loại dược liệu quý hiếm được lưu giữ trong vùng. Vì thế có thể nói rằng nghề thuốc của người Dao ở bản Vua Bà chính là sự kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống dân gian và môi trường sinh thái tự nhiên ban tặng. 

Việc truyền nghề thuốc của người Dao ở đây theo cách làm trực quan. Người mới vào nghề phải theo chân các bậc tiền bối có nhiều kinh nghiệm lên núi tìm kiếm cây thuốc. Khi nhận biết được các loại cây thuốc thì mới được dạy cách xem bệnh và bốc thuốc để chữa trị. 

Với kinh nghiệm dân gian truyền từ đời này qua đời khác, người Dao ở bản Vua Bà biết bốc thuốc chữa những bệnh thường gặp như: Phong, thấp khớp, sỏi thận, đái buốt, đái tháo đường, ho hen, hậu sản, dạ dày, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu…

Trong vùng có các gia đình ông Triệu Văn Sinh, Triệu Sinh Thuận, bà Bàn Thị Tình có đến hai thế hệ bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Theo ông Triệu Văn Sinh, chẳng ai biết chính xác những bài thuốc chữa bệnh của người Dao có từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên là được cha mẹ truyền cho. Nghề làm thuốc được người Dao truyền miệng là chính, cũng có nhiều bài thuốc được ghi chép lại bằng tiếng Hán nhưng trải qua thời gian, quá trình lưu giữ không cẩn thận nên đã bị mối mọt hoặc rách nát. Những bản chép tay về các bài thuốc được con cháu dịch viết sang tiếng Việt thì còn rất ít...  

Bà Bàn Thị Tình chia sẻ: "Từ nhỏ, tôi đã theo bà, theo mẹ đi hái cây thuốc trên rừng núi Tây Yên Tử. Lớn lên, với những kinh nghiệm và kiến thức qua học hỏi, tích lũy, tôi bốc thuốc, chữa bệnh cho người dân trong bản, trong xã và các vùng lân cận". Sau 15 năm hành nghề, bà Tình am hiểu tường tận từng loài cây, vị thuốc và công dụng, nổi tiếng trong vùng về chữa bệnh cứu người. 

Chị Triệu Thị Xoan, ở bản Vua Bà kể: "Năm 19 tuổi, tôi bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, gia đình đưa đến một bệnh viện lọc máu nhưng không khỏi. Bác sĩ còn khuyên tôi không nên sinh con vì nguy hiểm đến tính mạng. Nghĩ rằng có bệnh thì vái tứ phương nên tôi trở về dùng thuốc của bà Tình. Sau 3 tháng, tôi đi xét nghiệm thì nhận kết quả đã khỏi bệnh. Hàng chục năm qua, tôi khỏe mạnh bình thường và đã sinh hai con". Hoặc mới đây, anh Nguyễn Văn Hải ở tỉnh Hải Dương bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu; anh Triệu Văn Hà, xã Lục Sơn (Lục Nam) bị sỏi thận cũng khỏi bệnh sau khi dùng thuốc ở bản Vua Bà... 

Nghề bốc thuốc nam ở bản Vua Bà đã và đang được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Đây là tín hiệu tích cực trong việc lưu giữ và phát huy nghề thuốc y học cổ truyền của đồng bào dân tộc Dao bên sườn Tây Yên Tử.

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...