Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Y tế tuyến huyện phát triển kỹ thuật chuyên sâu: Thu hẹp khoảng cách, nâng chất lượng điều trị

Cập nhật: 09:20 ngày 24/04/2017
(BGĐT) - Thời gian qua, một số bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh Bắc Giang đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, vượt tuyến, thể hiện trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành của y, bác sĩ được nâng lên. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo được khám, điều trị kịp thời.
{keywords}

Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng tại  Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng.

Làm chủ nhiều kỹ thuật vượt tuyến

Vượt xa những kỹ thuật tối thiểu phải thực hiện theo tuyến, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến. Tại Khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân Dương Thị Kiểu, thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn vừa được phẫu thuật u đại tràng vỡ bằng phương pháp tạo mô nhân tạo. Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Trí Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện trực tiếp mổ cho bệnh nhân cho biết: "Đây là kỹ thuật khó. Trước đây bệnh nhân phải chuyển tuyến thì nay Bệnh viện đã thực hiện thành công, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, thời gian". 

Được biết, nhờ chuyển giao kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc” của các bác sĩ đầu ngành tuyến trên, đến nay đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện đã làm chủ 15 kỹ thuật vượt tuyến như: Cắt tử cung toàn phần; thắt động mạch tử cung trong chảy máu thứ phát; giảm đau đẻ bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng; thẩm mỹ vùng hàm, mặt và mắt… Đặc biệt, mới đây đơn vị thực hiện thành công kỹ thuật thay khớp gối toàn phần; chỉnh hình vách ngăn và các gói cận lâm sàng như chụp Xquang số hóa đại tràng, dạ dày.  

Năm 2017, từ nguồn hỗ trợ của Dự án NORRED, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chuyển giao 6 gói kỹ thuật cao về ngoại chấn thương, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu nhi khoa, sản khoa, phụ sản cho bệnh viện tuyến huyện với tổng kinh phí 875,7 triệu đồng.

Cũng với phương châm đầu tư cho các chuyên khoa sâu để thu hút bệnh nhân, gần đây, phẫu thuật nội soi đã trở thành kỹ thuật mổ thường quy tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện, nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân đòi hỏi tuyến huyện phải tự thay đổi cách thức phục vụ, nâng cao năng lực chuyên môn. Bệnh viện đã triển khai thành công các kỹ thuật ngoại khoa như: Phẫu thuật kết hợp xương cột sống; phẫu thuật khớp gối… 

Cùng đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa thực hiện vượt tuyến một số kỹ thuật sản khoa mới như: Chọc ối xét nghiệm sớm các dị tật bẩm sinh; Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên tán sỏi đường tiết niệu ngược dòng bằng lazer… Với những kỹ thuật mới trên, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được kịp thời khám, điều trị có hiệu quả.

Thụ hưởng dịch vụ chất lượng gần nhà

Đánh giá của Sở Y tế, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến năm 2016 giảm khoảng 30% so với năm trước và đã dần thu hẹp khoảng cách về chuyên môn giữa bệnh viện tuyến huyện với tuyến tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển kỹ thuật mới chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở một số huyện miền xuôi, thuận lợi về nhân lực. 

Bác sĩ Vũ Trí Suất, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng thừa nhận: "Nhiều khoa lâm sàng của bệnh viện huyện thiếu bác sĩ giỏi, trong khi bác sĩ có trình độ chuyên khoa II thường được giao nhiệm vụ quản lý nên thời gian dành cho hoạt động chuyên môn bị chi phối. Từ thực tế trên, trong một số trường hợp, dù bệnh viện có phương tiện hiện đại nhưng thiếu nhân lực sử dụng, ảnh hưởng đến việc triển khai kỹ thuật mới…". Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng của nhiều bệnh viện huyện chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành trang thiết bị hiện đại. Những đơn vị chưa triển khai được các kỹ thuật chuyên sâu cũng khó thu hút đầu tư xã hội hóa.

Ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng điều trị, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu ngay gần nhà. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện cử nhân lực đi đào tạo, hướng chuyển giao theo ê kíp để triển khai các danh mục kỹ thuật đúng lộ trình. Từ nguồn hỗ trợ của dự án NORED, các bác sĩ giỏi ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh tiếp tục kèm cặp, chuyển giao cho các bệnh viện huyện. 

Sở y tế chỉ đạo các bệnh viện huyện thường xuyên rà soát, báo cáo các kỹ thuật chưa thực hiện được để có kế hoạch đào tạo chuyển giao. Ngành y tế ưu tiên cử bác sĩ đa khoa đi đào tạo chuyên khoa sâu và chọn những kỹ thuật mũi nhọn để phát triển. Cùng đó, bệnh viện tuyến huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ kỹ thuật để tránh tình trạng bệnh nhân vượt tuyến điều trị các bệnh thông thường.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...