Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 30 °C / 27 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sốt xuất huyết lan rộng, người dân còn chủ quan

Cập nhật: 10:47 ngày 11/08/2017
(BGĐT) - Hiện nay, số người mắc sốt xuất huyết đang gia tăng và lan rộng khắp các địa phương. Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số địa phương, nhiều người dân còn chủ quan phòng ngừa dịch bệnh này. 

{keywords}

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Diễn biến phức tạp

Ngoài ổ dịch với chùm ca bệnh được phát hiện tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang), ngày 9-8, toàn tỉnh ghi nhận hai trường hợp đầu tiên mắc sốt xuất huyết có yếu tố dịch tễ lưu trú hoàn toàn tại địa phương. Đó là ông Phạm Văn Đô (SN 1950), thôn Thượng, xã Xuân Phú và Nguyễn Thị Liên (SN 1988), thôn Chanh, xã Hương Gián (Yên Dũng). Được biết, trong 14 ngày kể từ khi khởi phát, hai bệnh nhân trên không đi ra ngoài địa phương cư trú. Hiện nay, họ đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng cho biết, mặc dù là địa phương xuất hiện bệnh sốt xuất huyết muộn nhưng những ngày đầu tháng 8 liên tục có bệnh nhân nhập viện. Đến nay, toàn huyện ghi nhận 14 trường hợp mắc. Số bệnh nhân này chủ yếu đã được điều trị ổn định và ra viện, chỉ còn 4 trường hợp đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Theo đánh giá của Khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), tình hình sốt xuất huyết phát triển sớm hơn mọi năm và đang có xu hướng gia tăng về số ca mắc, địa bàn có bệnh nhân. Tính đến ngày 10-8, toàn tỉnh có 84 xã, phường, thị trấn có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết với 149 ca bệnh, chưa có trường hợp tử vong. Một số địa phương có đông bệnh nhân là TP Bắc Giang (35), Lục Nam (21), Hiệp Hòa (20), Việt Yên (18)… Hiện nay đã có 108 bệnh nhân ra viện, còn lại điều trị chủ yếu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và rải rác ở các bệnh viện đa khoa huyện. Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: “Hiện đang có 25 bệnh nhân điều trị tại đây. Do đông bệnh nhân, Khoa bố trí khu vực điều trị riêng, kê thêm giường bệnh, dự trù đầy đủ danh mục thuốc, vật tư, sinh phẩm. Trong trường hợp bùng phát dịch bệnh, Khoa sẵn sàng phương án ứng cứu, điều trị khẩn cấp”.

Tìm hiểu thực tế tại các địa phương, điều đáng lo ngại, mặc dù bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc phòng, chống dịch, chưa tích cực xử lý rác thải, diệt bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt. Một số địa phương chưa chủ động dự phòng hóa chất tiêu độc khử trùng, diệt muỗi dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ khi người dân có nhu cầu mua số lượng lớn cùng thời điểm. Bà Nguyễn Thị Dung, thôn Hưng Thịnh, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) cho biết: "Thôn cũng đã vận động các hộ dân phun thuốc diệt muỗi nhưng bận rộn nên gia đình chưa đăng ký. Hơn nữa, vườn tược rộng, nhiều ao chuôm, vệ sinh không xuể, mặc dù biết nhiều muỗi dễ mắc sốt xuất huyết".

Theo một số bác sĩ làm công tác dự phòng dịch tễ, nguyên nhân sốt xuất huyết diễn biến phức tạp là do thời tiết biến đổi, nắng nóng gay gắt xen lẫn mưa nhiều, vệ sinh môi trường chưa sạch, tạo điều kiện cho loài muỗi truyền sốt sinh sản mạnh. Đáng chú ý, tình hình di biến động phức tạp của người dân đến các vùng lân cận mang theo bệnh làm lây lan trong cộng đồng.

Quyết tâm khống chế

Những tháng cuối năm 2017, xu hướng nhiệt độ cao hơn, mùa nóng kéo dài do nhuận hai tháng 6 âm lịch, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực diễn biến khó lường, nhiều bệnh tật diễn tiến không theo mùa. Ngành y tế dự báo, bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp diễn đến khoảng tháng 11 năm nay.

{keywords}

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân xã Quý Sơn (Lục Ngạn) phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.

Để ứng phó hiệu quả, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao và thành lập các đội phòng chống dịch cơ động. Trung tâm Y tế các huyện, TP tổ chức tập huấn giám sát dịch bệnh, điều tra côn trùng, lấy mẫu xét nghiệm huyết thanh và phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Trao đổi với bà Hàn Thị Hồng Thúy, Phó Giám đốc Sở Y tế được biết: Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xử lý triệt để ổ dịch ở phường Đa Mai (TP Bắc Giang); phun hóa chất, kiểm soát khoanh vùng bệnh tại thôn Chanh, xã Hương Gián và thôn Thượng, xã Xuân Phú (Yên Dũng). Đẩy mạnh giám sát chiến dịch diệt bọ gậy; điều tra sự biến động véc-tơ sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ cao. Đối với cơ sở điều trị luôn trong trạng thái sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất phục vụ điều trị, xây dựng phương án đối phó khi dịch bùng phát diện rộng, số người mắc đông. Trong đó, các bệnh viện tuân thủ phác đồ điều trị, ngăn ngừa tử vong, hướng dẫn phân tuyến và chuyển tuyến hợp lý, không để bệnh nhân phải nằm ghép. Nhân viên y tế làm công tác dự phòng bám sát tình hình ở các thôn, bản để xử lý, điều trị khi có bệnh nhân, đồng thời dự đoán được tình huống để có biện pháp dập dịch.

Cùng đó, Sở Y tế đề nghị các huyện, TP tập trung chỉ đạo triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom phế thải không để cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nơi cư trú, sinh sản; giám sát công tác phun hóa chất diệt muỗi đúng quy trình, liều lượng, tăng cường kiểm tra hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các thôn, bản, cơ quan, đơn vị, trường học. Đặc biệt do chưa có vắc-xin phòng bệnh nên các bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị sốt, nhất là đang ở trong khu vực có ổ dịch cần đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà hoặc điều trị không đúng phác đồ có thể dẫn đến tử vong.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...