Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sốt xuất huyết gia tăng: Khoanh vùng khống chế ổ dịch

Cập nhật: 14:41 ngày 18/08/2017
(BGĐT) - Những ngày gần đây, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) liên tục gia tăng, nhiều ca bệnh diễn tiến nặng; đã có một trường hợp tử vong. Khoa truyền nhiễm của các bệnh viện đa khoa đều rất đông người đến khám, điều trị khiến các bệnh viện phải tăng cường nhân lực, vật tư y tế.

{keywords}

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bệnh nhân liên tiếp nhập viện

Từ đầu tháng 8 đến nay, hằng ngày, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đều có khoảng 30 bệnh nhân điều trị SXH. Số bệnh nhân cũ chưa kịp ra viện đã có bệnh nhân mới dẫn đến tình trạng quá tải. Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ cho biết, không chỉ có bệnh nhân mắc SXH khi đi về từ vùng dịch mà nhiều người bị bệnh có yếu tố dịch tễ lưu trú hoàn toàn tại địa phương trong 14 ngày kể từ khi khởi phát. Ví như chị Khổng Thu Hồng, 19 tuổi ở thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) nhập viện ngày 15-8 trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ, khớp. 

Các bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu phát hiện bệnh nhân mắc SXH bội nhiễm. Mấy ngày sau, cùng thôn có thêm chị Đặng Thị Hường, 26 tuổi cũng mắc bệnh này phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Qua theo dõi, Trung tâm Y tế TP Bắc Giang tiến hành điều tra dịch tễ xác định thêm ổ dịch mới tại thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn và thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ. 

Đến ngày 17-8, toàn TP có 57 ca bệnh và xuất hiện ba ổ dịch, trong đó ổ dịch ở tổ dân phố Mai Sẫu, phường Đa Mai tăng lên 6 bệnh nhân kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên. 

Tính đến 17 giờ ngày 17-8, toàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận 277 bệnh nhân SXH, trong ngày có 20 ca mắc mới. Đặc biệt có một bệnh nhân nam 53 tuổi ở thôn Muối, xã Lan Mẫu (Lục Nam) tử vong. Bệnh nhân SXH đã có ở 142/230 xã, phường, thị trấn. Tại các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang ghi nhận 7 ổ dịch. Theo trung tâm y tế các huyện, TP, các ổ dịch đều phát sinh ở nơi điều kiện vệ sinh môi trường kém, xuất hiện loài muỗi truyền bệnh, trong khi tình hình di biến động của người dân đi về từ các vùng dịch cao.

Trước tình hình bệnh nhân đông, ngoài bố trí khu vực điều trị riêng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã bổ sung thêm 30 giường bệnh, bổ sung dự phòng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, liên tục phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh buồng bệnh, yêu cầu bệnh nhân mắc màn trong khi nằm điều trị. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân đến viện muộn do chủ quan nên diễn tiến nặng, xuất huyết nội tạng. Chúng tôi tập trung các biện pháp điều trị ức chế vi rút, tăng phục hồi men gan, phòng tránh xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa”.

Tại huyện Lạng Giang cũng phát hiện hai ổ dịch. Bệnh nhân là Nguyễn Phi Hùng, 35 tuổi, thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô và Vũ Thị Ngấn, 81 tuổi, thôn 12, xã Xương Lâm đều đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa huyện với triệu chứng xuất huyết nặng. Hiện Bệnh viện điều động thêm bác sĩ, điều dưỡng từ các khoa khác hỗ trợ cho Khoa Truyền nhiễm.

Trong hai ngày 16 và 17-7, Trung tâm Y tế huyện tập trung tiêu độc khử trùng tại hai ổ dịch. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, vận động nhân dân ra quân tổng vệ sinh môi trường. Hiện toàn huyện có 27 bệnh nhân. Mặc dù số ca bệnh đông nhưng do chủ động thu dung điều trị, phòng chống dịch nên hầu hết bệnh nhân đều tiến triển tốt, sức khỏe dần hồi phục.

Vệ sinh môi trường, giám sát ca bệnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự báo tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo. Tuy nhiên những cảnh báo của ngành y tế về dịch SXH đã giúp người dân có ý thức hơn trong việc phòng, chống, điều trị căn bệnh này. Hiện các xã, phường, thị trấn đều tiến hành ra quân tổng vệ sinh môi trường, thành lập các đội thanh niên xung kích diệt bọ gậy tại khu dân cư.

{keywords}

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch ở xã Xương Lâm.

Theo khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây bệnh khi muỗi đốt người nhiễm vi-rút SXH sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Triệu chứng của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày, đau đầu, hốc mắt, ê ẩm toàn thân, kèm theo phát ban, nổi hạch, da xung huyết, chảy máu cam, chân răng, phân đen… SXH thể nặng gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cơ thể dễ chảy máu, nguy hiểm đến tính mạng. Khi thấy có dấu hiệu sốt cao, người dân không tự ý điều trị tại nhà, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn nặng hơn. 

Nhằm khống chế SXH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, TP đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực diệt muỗi, vệ sinh môi trường, đặc biệt ở các công trường xây dựng, nhà trọ, chung cư, ký túc xá, khuôn viên công cộng… 

Ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngành chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, tổ chức cấp cứu điều trị, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Trong đó tăng cường theo dõi các khu vực nguy cơ cao tiềm ẩn bùng phát dịch. Các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, TP dự trù thuốc, sinh phẩm, tăng cường nhân lực phục vụ kịp thời, hiệu quả khi có đông bệnh nhân và nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân”. 

Cùng đó, để hạn chế biến chứng cho thai phụ, trẻ em, các bác sĩ đặc biệt khuyến cáo phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối phòng tránh mắc SXH. Mỗi người hãy tự bảo vệ mình bằng cách mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn, thoa kem tránh muỗi đốt. Được biết, loài muỗi truyền SXH chỉ đẻ trứng ở nơi nước trong và đốt vào ban ngày, chạng vạng tối nên người dân cần chủ động phòng ngừa vào các thời điểm này. Những vật dụng chứa nước sạch dùng trong sinh hoạt phải che đậy, không để nước đọng ngăn muỗi đẻ trứng, nên thay nước bình hoa, lật úp vật dụng để diệt lăng quăng, bọ gậy.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...