Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bệnh nặng vì "bác sĩ Google"

Cập nhật: 04:55 ngày 13/01/2018
(BGĐT) - Thay vì đến các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn, nhiều phụ huynh tự tìm hiểu và áp dụng cách chữa bệnh cho con theo chỉ dẫn trên mạng Internet. Không ít trường hợp đã để lại hậu quả khó lường.
{keywords}

Khám, chữa bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).

Biến chứng nguy hiểm

Những ngày qua, số trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy… được đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang gia tăng, có lúc chiếm tới 70-80% tổng số bệnh nhi. Trong số đó có không ít trường hợp được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, do các bậc phụ huynh chủ quan, tự ý mua thuốc hoặc sử dụng các bài thuốc nam điều trị cho con. 

Mới đây, khoa Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tiếp nhận bé Nguyễn T.N 2 tháng tuổi, xã Bảo Đài (Lục Nam) nhập viện trong tình trạng sốt cao, thở khó. Trước đó một tuần, thấy con có triệu chứng ho, mệt, chảy nước mũi, mẹ bé đã lên mạng chia sẻ và nhận được lời khuyên của các bà mẹ về cách chữa trị. Sau khi cho con uống thuốc kháng sinh, siro tự chế bằng lá cây rừng, bệnh bé N nặng hơn, người lả lướt, thở khò khè…, lúc đó cả nhà mới vội vàng đưa vào bệnh viện thì con đã bị viêm phổi, viêm phế quản cấp. 

Mệt mỏi sau cả tuần thức đêm tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Minh, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) kể: Khi con bị tiêu chảy nhiều ngày, chị lên diễn đàn hỏi thì nhiều người mách cho một loại thuốc cầm tiêu chảy rất hiệu quả. Chị liền mua về cho con uống, bé có đỡ một chút nhưng bụng lại chướng, nôn trớ và sốt. Đưa con đến viện, bác sĩ cho biết cháu nhiễm Rota virus nên tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy vì nó khiến phân không được thải ra ngoài gây chướng bụng. Thậm chí nếu cho trẻ uống lâu ngày còn có nguy cơ thủng, tắc ruột. 

Hay như trường hợp chị Trần Thị Oanh, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), thấy trên da con gái 2 tuổi xuất hiện những nốt đỏ li ti, chị vội nhờ "bác sĩ Google” tư vấn. Chỉ sau cú nhấp chuột, hàng loạt thông tin các bệnh về da trên trẻ nhỏ như triệu chứng, hình ảnh, đơn thuốc đông y, tây y, dân gian… đều có sẵn. Đối chiếu với biểu hiện của con, chị chắc chắn bé mắc chứng viêm da cơ địa nên lấy nước làm bún chua tắm cho con ngày 2 lần, đắp lá trầu không. Qua hai ngày, con gái bỗng sốt cao, co giật, trong khi các nốt trên da xuất hiện ngày càng dày, mưng mủ. Hoảng hốt, chị đưa con vào viện. “Cháu bị nhiễm trùng máu, phải nằm viện điều trị hơn 20 ngày. Nếu tôi đưa vào viện sớm hơn, không tự ý điều trị thì bệnh không nặng như vậy”, bà mẹ trẻ tâm sự.  

Không dùng thuốc tùy tiện

{keywords}

Trong thời tiết lạnh như hiện nay, cha mẹ cần giữ ấm cơ thể và bổ sung hợp lý các loại dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu ốm nên đưa con tới bệnh viện để khám và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Với trẻ bị viêm đường hô hấp, sổ mũi, việc vệ sinh mũi hằng ngày rất quan trọng nhưng phải làm đúng cách; tuyệt đối không sử dụng thuốc bừa bãi, nhất là các loại thuốc kháng sinh”.


Thầy thuốc ưu tú Đồng Xuân Sắc, Trưởng Khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khuyến cáo

Nhiều ông bố, bà mẹ quá tin vào thông tin trên mạng hoặc nhân viên các cửa hàng dược nên đã sử dụng sai thuốc, không đúng thuốc đặc trị nên bệnh của con thêm nặng. Nguyên nhân do nhận thức của một bộ phận phụ huynh còn hạn chế; tình trạng các quầy thuốc tư nhân tự ý kê đơn, bán thuốc vẫn còn diễn ra… Chị Nguyễn Thị Minh, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) cho hay, thủ tục vào bệnh viện mất nhiều thời gian, ngại xếp hàng chờ đợi nên mỗi khi con ốm, chị lên mạng tìm kiếm các phương pháp điều trị theo đông y, dân gian hoặc thậm chí cả đơn thuốc bác sĩ chuyên khoa kê mà các phụ huynh khác chia sẻ.  

Tự ý dùng thuốc cho trẻ em rất nguy hiểm vì theo bác sĩ nhi khoa, các em nhỏ sức đề kháng kém, biểu hiện bệnh không rõ ràng, dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau. Thể trạng, mức độ bệnh ở mỗi trẻ lại khác nhau nên cần được khám tại đơn vị chuyên khoa để có kết luận chính xác cũng như sử dụng đúng thuốc. 

Theo Thầy thuốc ưu tú Đồng Xuân Sắc, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh), hiện nay, một số phụ huynh hễ thấy con có biểu hiện ho, sổ mũi là nghĩ ngay đến viêm họng, viêm phế quản; phát ban trên da thì chuẩn đoán viêm da, dị ứng… Coi đó là bệnh thông thường, họ đến cửa hàng thuốc, nhờ nhân viên tư vấn hoặc lên mạng tìm hiểu rồi mua các loại thuốc, thậm chí là kháng sinh cho con uống. “Điều này rất nguy hiểm, sẽ dẫn đến tình trạng bệnh của trẻ kéo dài, lâu khỏi, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh”, bác sĩ Sắc cho biết thêm. Thống kê từ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, trong tổng số các ca bệnh viêm đường hô hấp, tiêu hóa, viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ mỗi ngày thì có khoảng 30% bệnh nhân trước đó đã điều trị sai cách tại gia đình. Có trường hợp ban đầu đơn giản nhưng do điều trị sai dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Thiết nghĩ, mỗi phụ huynh cần nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho con trẻ. Để tránh những hệ lụy không đáng có của việc tự ý chữa bệnh, khi trẻ ốm cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.

Khôi Nguyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...