Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Chú trọng chợ và thức ăn đường phố

Cập nhật: 07:24 ngày 17/01/2018
(BGĐT) - Bằng sự vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có chuyển biến. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, chất lượng thực phẩm tại các chợ và điểm dịch vụ ăn uống đường phố vẫn còn những thách thức.
{keywords}

Nhân viên y tế kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm tại cơ sở thực phẩm Thiên An (TP Bắc Giang).

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Từ tháng 4-2017, TP Bắc Giang triển khai thực hiện đề án quản lý thức ăn đường phố. Phòng Y tế TP lấy các cơ sở kinh doanh thực phẩm ở 5 phường trung tâm là: Trần Phú, Ngô Quyền, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, Trần Nguyên Hãn làm trọng điểm giám sát, kiểm tra. Bên cạnh đó, 200 điểm kinh doanh thức ăn đường phố được UBND các phường, xã yêu cầu lập sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm, thực hiện đúng quy cách bảo quản, chế biến, bày bán thực phẩm chín, sống. 

Ông Chu Văn Chung, Trưởng Phòng Y tế TP cho biết: Lấy kiểm tra làm nhiệm vụ trọng tâm, vừa qua đoàn kiểm tra liên ngành đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia lấy ngẫu nhiên 30 mẫu giò, chả tại các chợ trên địa bàn, phát hiện 19 mẫu có hàn the. Kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố, đoàn kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính Nhà hàng Hoa Phượng Đỏ, đường Nguyễn Thị Lưu do chưa bảo đảm một số tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Tuy nhiên, lãnh đạo TP vẫn nghiêm túc đánh giá do UBND TP chưa quy hoạch và quản lý phù hợp dịch vụ ăn uống đường phố. Nhiều người dân lo ngại tình trạng quán nướng vỉa hè mọc lên vào buổi tối trên các tuyến phố Xương Giang, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Cao chưa kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm; điều kiện sơ chế, bảo quản, vệ sinh chưa bảo đảm tiêu chuẩn. 

Toàn tỉnh có hơn 22,6 nghìn cơ sở thực phẩm, trong đó có 81,4% cơ sở đạt tiêu chuẩn. Có được kết quả này là do các ngành, địa phương đã chỉ đạo triển khai điều tra, quản lý cơ sở thực phẩm, lập sổ theo dõi, phân loại chất lượng theo nhóm A, B, C. Những cơ sở xếp loại C sẽ liên tục được cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng.

Năm 2017, huyện Việt Yên được BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh đánh giá cao vai trò quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống xung quanh các khu, cụm công nghiệp. Bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp không xảy ra ngộ độc. Tình trạng thực phẩm “bẩn” bủa vây khu, cụm công nghiệp sau giờ tan ca không còn phổ biến như trước. Đội thanh tra liên ngành huyện thường xuyên giám sát chất lượng, lấy mẫu thực phẩm, xử lý vi phạm và đã xử lý 5 vụ vận chuyển sản phẩm không rõ nguồn gốc đi tiêu thụ;xử lý vi phạm hành chính tại hai nhà hàng gà tươi Mạch Hoạch ở thôn Hùng Lãm 3, xã Hồng Thái và thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung. Đặc biệt, từ tháng 8-2017 đến nay, UBND huyện phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) chỉ đạo một số cơ sở làm điểm đưa các mặt hàng thực phẩm sạch, bình ổn giá đến KCN Quang Châu, Đình Trám bán cho công nhân. Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân KCN Đình Trám chia sẻ: “Trước đây chúng tôi rất lo lắng về chất lượng thực phẩm quanh KCN nhưng giờ yên tâm hơn vì mấy tháng nay, khu vực này có nhiều cửa hàng thực phẩm an toàn, giá hợp lý phục vụ công nhân”.

Thách thức trong quản lý 

Không chỉ ở hai địa bàn trọng điểm trên, năm qua toàn tỉnh đã có những tín hiệu đáng mừng trong cải thiện chất lượng thực phẩm phục vụ người dân. Đội kiểm tra liên ngành về ATTP các cấp đã xử phạt 258 cơ sở vi phạm với số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Mới đây, các huyện, TP thực hiện giám sát những nhóm sản phẩm được sử dụng phổ biến trên thị trường, phát hiện 12,5% mẫu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn về nấm mốc; 50% mẫu rau, củ quả đã qua sơ chế có sự hiện diện của vi khuẩn E.coli, Coliforms. 

{keywords}

Bếp ăn đạt tiêu chuẩn ATTP tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc (KCN Đình Trám).

Ghi nhận từ các chợ, số mẫu thực phẩm ô nhiễm chỉ tiêu hóa lý, vi sinh vật chiếm tỷ lệ cao. Trong khi số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công mang tính hộ gia đình chiếm hơn 90% tổng số cơ sở thực phẩm, điều kiện bảo đảm ATTP hạn chế. Đa số các chợ đã được quy hoạch nhưng chưa bảo đảm điều kiện ATTP, còn tình trạng thực phẩm chất lượng kém, không rõ nguồn gốc. 

Ông Ong Thế Viên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Một số xã chưa quyết liệt trong bảo đảm ATTP, còn tình trạng UBND xã giao cho trạm y tế quản lý, kiểm tra cơ sở thực phẩm nên hiệu lực kiểm soát chất lượng hạn chế. Nhiều cán bộ làm công tác ATTP ở cấp xã chưa nắm vững kiến thức, nghiệp vụ về quản lý, kiểm tra thực phẩm. Việc phân công cán bộ làm công tác ATTP thuộc lĩnh vực công thương gặp khó khăn theo vị trí việc làm, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm soát ATTP theo phân cấp.

Dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, để ngăn chặn thực phẩm "bẩn", được biết các ngành chức năng đã, đang triển khai kế hoạch cao điểm tập trung đấu tranh chống gian lận thương mại, thực phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thực phẩm sạch tới doanh nghiệp, trường học và người tiêu dùng... Về lâu dài, các địa phương xây dựng chuỗi cung cấp, đồng thời tiếp tục nhân rộng cơ sở sản xuất, điểm bán thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. 

Duy Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...