Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cúm rình rập giáp Tết Nguyên đán, bác sĩ mách cách tránh

Cập nhật: 20:30 ngày 05/02/2018
Nhiều nước trên thế giới đang bị dịch cúm tấn công. Tại Mỹ, chủng virus cúm phổ biến nhất năm nay là cúm A (H3N2) - một virus cực mạnh, có tỷ lệ lây lan nhanh. Tại Việt Nam, số ca nhiễm virus cúm A (H1N1) đang có xu hướng gia tăng.
{keywords}

Cúm rình rập làm sao để phòng tránh để đón Tết vui, khỏe.

Điều dưỡng Doãn Thúy Quỳnh – Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ: Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh thường lành tính, diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng dễ lây lan và có thể phát thành dịch lớn. Khi trẻ mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý một số điều.

Khi trẻ sốt hơn 38,5 độ C cần hạ sốt bằng cách: Nới rộng quần áo cho trẻ. Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4- 6 giờ uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt hơn 38,5 độ C.

Ngoài ra, cần vệ sinh đường hô hấp (mũi, miệng): Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn).

Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.

Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Vấn đề dinh dưỡng cũng cần được quan tâm. Người lớn nên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.

Phòng lây nhiễm cúm bằng cách cách ly trẻ tương đối: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ. Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.

Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao liên tục hơn 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Trẻ co giật, li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh, khó thở, thở nhanh... cần đưa tới bác sĩ.

Trẻ bị cúm phải được cách ly và người chăm sóc trẻ phải đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Bảo đảm nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Tiêm vaccine cũng là cách phòng cúm hiệu quả.

Theo Lao động

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...