Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không để đổ bệnh vì thời tiết

Cập nhật: 08:57 ngày 14/03/2018
(BGĐT) - Thời điểm thời tiết đang giao mùa, nhiệt độ lúc nóng, lúc lạnh, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan, bùng phát, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.
{keywords}

Tiêm phòng một số bệnh truyền nhiễm cho trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Lục Nam.

Gia tăng bệnh lây nhiễm

Hiện đang bước vào đợt cao điểm của mùa phát tán bệnh thủy đậu, dịp này Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng) tiếp nhận 12 trường hợp mắc thủy đậu. 7 người bị nhẹ được chỉ định điều trị ngoại trú theo đơn thuốc còn 5 ca nặng phải vào Khoa Truyền nhiễm. Mẹ bệnh nhi Lê Thanh Phong (2 tuổi) ở xã Đồng Việt chia sẻ: "Cháu nhà tôi đi học bị lây từ các bạn. Đáng tiếc là gia đình chưa đưa cháu đi tiêm vắc-xin phòng thủy đậu”.

Bác sĩ Vũ Trí Quý, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Mặc dù nhiều người mắc nhưng may mắn không có trường hợp biến chứng nguy hiểm hay tử vong. Thủy đậu thường bùng phát vào mùa xuân, nhất là khi thời tiết nồm ẩm. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai dễ tiến triển nặng hơn và biến chứng bội nhiễm gây viêm phổi, não, nhiễm trùng huyết”. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ cho biết có khoảng 10% số người vẫn mắc thủy đậu sau khi đã tiêm chủng. Tuy nhiên, các trường hợp này thường nhẹ, không nhiều nốt phồng rộp và ít biến chứng.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những ngày này, tình hình thủy đậu đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 150 ca. Yên Dũng là địa bàn có số người mắc cao. Thông thường chỉ có trẻ em mắc nhưng gần đây nhiều người lớn cũng đổ bệnh. Thủy đậu dễ lan rộng trong môi trường sinh hoạt tập thể do lây nhiễm qua đường hô hấp, tuyến nước bọt, nước mũi, dịch tiết từ mụn, vết loét trên da người bệnh.

Dịp này cũng là thời điểm lượng người mắc cúm theo mùa tăng cao. Mặc dù số bệnh nhân vào điều trị nội trú không nhiều nhưng số lượt khám, chẩn đoán và được chỉ định phác đồ ngoại trú theo đơn thuốc tại các cơ sở y tế đều tăng. Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên), từ đầu tháng 3 đến nay tiếp nhận gần 50 lượt bệnh nhân mắc cúm. Trong khi, nhiều người chủ quan cho rằng đây là căn bệnh nhẹ, tự mua thuốc không theo đơn tại các quầy thuốc mà không đến cơ sở y tế khám. Theo các bác sĩ, tất cả vi - rút cúm đều gây biểu hiện lâm sàng giống nhau, dù là chủng cúm nào cũng rất nguy hiểm, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người già, người mắc bệnh mạn tính. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 1,2 nghìn ca mắc cúm mùa, tương đương cùng kỳ năm trước.

{keywords}

Chuẩn bị hóa chất phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa.

Chủ động ứng phó

Theo thông tin từ Sở Y tế, từ đầu tháng 3 đến nay, ở hầu hết các cơ sở khám và điều trị, số lượng người mắc các bệnh truyền nhiễm tăng khoảng 15-20% so với các tháng trước.

Theo bác sĩ Giáp Văn Minh, Trưởng khoa Kiểm soát truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh): Dịp này, mọi người thường dễ mắc các bệnh như: Tay- chân- miệng, quai bị, sốt siêu vi, cúm, thủy đậu, sởi, tiêu chảy… Tuy nhiên, điều cần lưu ý là bệnh tay- chân- miệng chưa có vắc-xin dự phòng, thủy đậu mới chỉ có vắc-xin dịch vụ mà chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng trở lại nếu không tiêm chủng đầy đủ như: Ho gà, sởi, dại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do thời tiết nồm ẩm là điều kiện phù hợp cho nấm mốc, côn trùng, vi sinh vật phát triển. Hơn nữa, dịp này đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao làm tăng nguy cơ truyền nhiễm. Trong khi ở nhiều người, cơ thể không thích ứng kịp với biến đổi của thời tiết, nhất là trẻ em sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện sẽ mắc bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo, trong mùa nồm ẩm, các gia đình cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, sấy khô quần áo, giảm độ ẩm không khí trong nhà và các biện pháp diệt khuẩn như dùng máy hút ẩm, lau khô sàn nhà, cửa kính, đóng kín cửa trong những ngày trời nồm, loại bỏ những dị nguyên (khói bụi, ẩm mốc) có thể gây hen phế quản... Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang, giữ đủ ấm, không để mồ hôi ngấm ngược trở lại cơ thể.

Cùng đó, chú trọng vệ sinh ăn uống, rửa tay bằng xà phòng, bảo quản an toàn thực phẩm tránh tiêu chảy cấp. Ngoài ra cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người mắc các bệnh truyền nhiễm, không đến chỗ đông người, không dùng chung vật dụng cá nhân, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ dinh dưỡng, uống đủ nước và dễ tiêu hóa, từ bỏ thói quen ăn uống không hợp vệ sinh (tiết canh, gỏi sống...). Biện pháp phòng, chống dịch lâu dài và hiệu quả là tiêm vắc-xin dự phòng. Các gia đình nên đưa con đi tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế cấp xã theo đúng lịch; tránh tình trạng đợi tiêm vắc-xin dịch vụ hoặc đến lúc có dịch hay mùa cao điểm của dịch mới cho trẻ đi tiêm gây quá tải, thiếu hụt vắc-xin.

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn, nhất là phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm phòng: Cúm, sởi, rubella, thủy đậu. Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã yêu cầu trung tâm y tế các huyện, TP tăng cường giám sát các ca truyền nhiễm tại cộng đồng và trong các cơ sở điều trị. Nếu có ca nhiễm, nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan trên diện rộng. Các cơ sở y tế chủ động dự phòng thuốc, vật tư hóa chất, trang thiết bị máy móc, sẵn sàng đối phó với tình huống chống dịch khẩn cấp.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...