Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chữa bệnh nhờ “lang băm” - Tốn tiền, bệnh nặng

Cập nhật: 07:00 ngày 30/06/2018
(BGĐT) - Không có chuyên môn, chỉ lấy mác là bài thuốc bí truyền, một số chủ cơ sở bốc thuốc nam trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vô tư chữa trị cho người bệnh, thu lợi lớn. Người bệnh không những tốn chi phí mà bệnh còn tăng nặng, tổn hại sức khỏe.

{keywords}

Dù không được cấp phép, ông Nguyễn Văn A, thôn An Hòa, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) vẫn cắt thuốc nam bán cho khách.

Bỗng dưng làm… “thầy”

Trong vai người đi tìm hiểu điểm khám bệnh xương khớp, sau đó mới dẫn người thân bị bệnh đến sau, chúng tôi về thôn Cò, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) vào một ngày cuối tháng 6. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là nhà thầy lang tên L. Ngôi nhà thầy ở cạnh con đường liên xã, mấy xe ô tô chở khách đến chữa bệnh đỗ ngoài cổng. Ngay lối vào là xoong, chậu chất lỉnh kỉnh. Bên trong có nhiều người trung, cao tuổi đến từ nhiều nơi đang đắp thuốc. Dẫn khách ra bàn trà, thầy bảo ở đây chữa bệnh đau xương, khớp và zona thần kinh. Khi chúng tôi muốn vào hỏi thăm những người đang điều trị tại đây, vợ chồng thầy L ngăn lại với lý do cứ đưa người bệnh đến đây rồi hẵng hay. Giờ này, bệnh nhân ăn cơm và chuẩn bị ngủ rồi. Vậy là chúng tôi đành hẹn thầy L chiều quay lại. 

Lân la hỏi thăm một số người hàng xóm của ông L, được biết, trước đây ông L làm nghề đúc, đổi xoong. Hai năm gần đây bỗng dưng làm thêm nghề bốc thuốc nam chữa bệnh. Bệnh nhân đến điều trị ở nhiều nơi như: Lạng Sơn, Nghệ An, Lai Châu, Sơn La… nhưng người làng lại không có ai đến chữa. Người ở xa đến thường ăn, ngủ tại nhà ông L và phải nộp cho chủ nhà một khoản chi phí.

Cùng thôn Cò cũng có một người bốc thuốc, chữa bệnh bằng thuốc nam tên N. Dù trưa muộn song vẫn còn một số bệnh nhân xếp hàng chờ đến lượt được ông N khám. Khách đến chữa phần lớn là người ở địa phương khác. Bà H, TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) năm nay 67 tuổi kể, nghe người quen giới thiệu, thầy N chữa bệnh xương khớp hay lắm nên bà và một số người thuê xe ô tô 16 chỗ lên đây. Khám xong, bà được thầy bốc cho túi thuốc chừng vài cân với giá 250 nghìn đồng. 

Bà H bảo: “Thầy dặn sau khi uống một tuần phải khám lại nên mấy hôm nữa, nhóm chúng tôi sẽ về tiếp”. Được biết, ông N không có chuyên môn liên quan đến hành nghề y học cổ truyền. Với hàng chục người khám, mua thuốc mỗi ngày, ông N thu về hàng triệu đồng.

Để hiểu rõ hơn về hai điểm chữa bệnh trên, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái. Ông Mùi khẳng định, hai cơ sở này không được cấp phép, đã bị UBND xã lập biên bản, cấm hoạt động từ năm ngoái. Vậy nhưng khi phóng viên cho biết vẫn thấy người đến chữa bệnh nườm nượp thì ông Mùi nói, xã từng chỉ đạo lực lượng công an xã kiểm tra song chưa phát hiện vi phạm (?).

Tại một số xã của huyện Hiệp Hòa cũng xuất hiện nhiều lang băm. Theo chỉ dẫn, chúng tôi về gặp ông Nguyễn Văn A, thôn An Hòa, xã Đoan Bái để mua thuốc trị bệnh ngứa cho mẹ. Sau khi nghe khách miêu tả vài triệu chứng, ông A phán: “Chắc chắn bị tổ đỉa rồi. Bệnh đó phải chữa lâu dài mới khỏi, không vội được. Cứ mang thuốc về, nếu không phải tổ đỉa thì á sừng, vảy nến, lang bạch máu đều khỏi tất”. 

Nêu lý do muốn uống thử, nếu bệnh chuyển biến mới lấy tiếp nên chúng tôi chỉ mua thuốc dùng trong nửa tháng. Sau đó, ông A đi vào buồng rồi đưa cho khách túi ni- lông nhỏ đựng chừng 30 viên thuốc được vo tròn có màu xám và thu 125 nghìn đồng. Theo lời ông A, đây là thuốc đông y gia truyền, ông kế nghiệp nên không quảng cáo và cũng không được cấp chứng chỉ nào của cơ quan chức năng. 

{keywords}

Thuốc nam được phơi, bán tại nhà ông A.

Thấy chúng tôi thắc mắc sao không thấy nhà hong, phơi dược liệu chữa bệnh, vợ ông A lý giải, “thuốc cái” được tinh chế từ một nơi khác, sau đó gia đình mới nhập về. Trong một viên thuốc, hàm lượng chính chỉ bằng đầu tăm còn lại là phụ liệu. Quan sát cho thấy, bên hiên bếp của nhà ông A có treo hai sàng phơi những viên nhỏ không mùi, không vị. Khi mua về, khách chỉ việc uống mà không phải sắc nước. Trong lúc tiễn khách ra về, ông A nghe cuộc điện thoại của một người bệnh, ông bảo: “Mặt sưng thì uống ít đi, giảm một nửa vì cơ địa chắc chỉ chịu được liều lượng nhỏ” khiến chúng tôi không khỏi giật mình.

Bệnh nặng vì thuốc nam

Trên đây chỉ là một số cơ sở hoạt động chữa bệnh bằng thuốc nam sai phép mà chúng tôi tiếp cận được. Thực tế có nhiều người khác đang hành nghề chui, không được quản lý, gây ra những hệ lụy, hậu quả khôn lường. Bà Trần Thị G, thôn Lẻ, xã Xuân Hương (Lạng Giang) bị ngứa ở chân đã mua thuốc của ông A, thôn An Hòa về dùng. Sau khi uống được một tuần, bệnh không những không giảm mà bà còn bị rụng tóc, mặt sưng lên.

{keywords}

Thuốc nam chưa được kiểm chứng có thể chứa hoạt chất độc hại. Những chất này vào cơ thể được đào thải qua gan, thận, nếu liều lượng cao và dùng trong thời gian dài sẽ gây suy gan, thận”.

Bác sĩ Nghiêm Tam Dương, Trưởng khoa

Nội thận tiết niệu và Lọc máu,

Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Khảo sát tại Khoa Nội thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thấy, nhiều bệnh nhân phải nhập viện, bị suy thận do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Đơn cử như bà Nguyễn Thị Sa, thôn An Phúc, xã Trường Giang (Lục Nam). 5 năm trước, khi đi khám, bà phát hiện bị viêm cầu thận. Sau đó, bà đi cắt thuốc nam điều trị trong 6 tháng mà vẫn không khỏi. Vào bệnh viện khám lại, bác sĩ cho biết thận của bà đã bị suy giai đoạn cuối, phải áp dụng lọc máu 3 lần/tuần. Tương tự bà Nguyễn Thị Bé, thôn Phù Tài, xã Tiên Sơn (Việt Yên) cũng vì điều trị xương khớp, thận từ những thang thuốc nam không uy tín mà phải chạy thận nhân tạo gần 7 năm qua.

Bác sĩ Nghiêm Tam Dương, Trưởng khoa Nội thận tiết niệu và Lọc máu cho biết, thuốc nam chưa được kiểm chứng có thể chứa hoạt chất độc hại. Những chất này vào cơ thể được đào thải qua gan, thận nếu liều lượng cao và dùng trong thời gian dài sẽ gây suy gan, thận. Thực tế, đa số bệnh nhân tại khoa trước khi đến khám, điều trị thường sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, do đó bệnh thường nặng, khó chữa.

Ngăn chặn hành vi trục lợi từ người bệnh

{keywords}

Một số bệnh nhân phải lọc máu do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc trong thời gian dài.

Sử dụng thuốc nam không được kiểm soát, người bệnh nguy cơ cao bị biến chứng, bệnh tăng nặng. Vậy nhưng những lang băm vẫn hoạt động và có “đất sống”. Nguyên nhân là do, trước hết người bệnh có tâm lý mắc bệnh thì vái tứ phương mà không quan tâm người chữa có chuyên môn hay không. “Khi bị viêm thận, ai bảo ở đâu có thầy cắt thuốc tôi cũng đến. Ròng rã nhiều tháng trời, bán cả trâu, lợn của gia đình để mua thuốc về uống nhưng bệnh còn nặng hơn. Nay còn phải thường xuyên có mặt ở viện để lọc máu” - bà Sa, thôn An Phúc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh bộc bạch. 

Hơn nữa, công tác quản lý của ngành chức năng, chính quyền sở tại chưa nghiêm. Năm 2017, tỉnh đã phân cấp cho Sở Y tế, huyện, TP, xã, thị trấn trong hành nghề y dược tư nhân. Theo đó, cấp xã, huyện có trách nhiệm phát hiện, xử lý cơ sở hành nghề không phép và thông báo cho Sở Y tế. Tuy nhiên, rất ít cơ sở vi phạm về bốc thuốc nam bị xử lý mà chủ yếu mới dừng ở nhắc nhở.

Bác sĩ Phan Trọng Quyền, Trưởng phòng Quản lý Hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế) thông tin, toàn tỉnh có 63 cơ sở hành nghề y học cổ truyền được cấp phép. Không ít cá nhân tự xưng danh bài thuốc gia truyền để hoạt động, trong số đó, có cơ sở lập hồ sơ đề nghị hội đồng chuyên môn cấp giấy chứng nhận hành nghề song không đủ điều kiện, vậy mà vẫn liều chữa bệnh cho người dân.

Trước thực tế trên, bác sĩ Quyền khuyến cáo, người bệnh nên tìm đến những thầy thuốc, cơ sở bán thuốc đông y được cấp phép để tránh “tiền mất, tật mang”. Thông thường giấy phép được treo ở ngay phòng chẩn trị, bao gồm thông tin như: Địa chỉ, tên phòng khám; người chịu trách nhiệm chuyên môn; phạm vi hoạt động trong điều trị.

Ngoài những giải pháp trên, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tuyên truyền, trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của thuốc nam không nguồn gốc; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, không để “lang băm” trục lợi từ người bệnh.

Khánh Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...