Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không chủ quan khi sử dụng vắc xin ComBE Five

Cập nhật: 18:13 ngày 09/01/2019
(BGĐT) - Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vừa đưa vào sử dụng vắc xin ComBE Five thay thế cho vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trước đây. Khi triển khai tiêm ở một số tỉnh, TP xuất hiện trường hợp phản ứng sau tiêm khiến nhiều người lo lắng. Phóng viên (PV) Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Đặng Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh xung quanh vấn đề này. 
{keywords}

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh kiểm tra vắc xin ComBE five.

PV: Đề nghị ông cho biết vì sao Bộ Y tế thay đổi vắc xin tiêm chủng thời gian gần đây?

Ông Đặng Thanh Minh: Mới đây, Bộ Y tế thay đổi vắc xin phối hợp phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, chúng ta hay gọi tắt là vắc xin 5 trong 1. 

Từ tháng 12-2016, Công ty Berna Biotech của Hàn Quốc đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem, số liều còn dự trữ chỉ đủ tiêm đến tháng 9-2018. Việc lựa chọn vắc xin ComBE Five thay thế là phù hợp nhất vì về bản chất, thành phần, công dụng, hiệu quả, công nghệ sản xuất và tính an toàn của 2 loại vắc xin này là tương đồng.

Sự thay đổi này thực chất là thay đổi về tên của vắc xin và nhà sản xuất. Vắc xin Combe Five do Công ty Biologhical E của Ấn Độ sản xuất. 

PV: Việc thay đổi vắc xin có ảnh hưởng tới phác đồ, lịch tiêm của trẻ không, thưa ông?

Ông Đặng Thanh Minh: Tôi khẳng định là không. Như đã nói ở trên, 2 loại vắc xin Quinvaxem và ComBE Five như nhau về thành phần và công dụng, lịch tiêm hoàn toàn như nhau nên đây cũng là một lý do để Bộ Y tế lựa chọn. Trẻ dưới 1 tuổi vẫn được tiêm vắc xin ComBE Five ba mũi theo đúng lịch tiêm như đã dùng vắc xin Quinvaxem trước đây, tức là tiêm cho trẻ các mũi 1, 2, 3 vào lúc trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Kể cả những trẻ trước đây đã tiêm vắc xin Quinvaxem còn thiếu mũi tiêm thì vẫn được tiêm các mũi tiếp theo bằng vắc xin ComBE Five cho đến khi đủ 3 mũi mà các bậc cha, mẹ không nên lo lắng.

PV: Tại Bắc Giang đang triển khai tiêm vắc xin ComBE Five. Xin ông cho biết những kết quả đến nay?

Ông Đặng Thanh Minh: Bắc Giang bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ComBE Five thí điểm từ tháng 10-2018 ở huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang. Đến nay đã triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh. Kết quả trong tháng 10 và 11- 2018 đã tiêm vắc xin cho 7.520 trẻ bảo đảm an toàn. Trong đó có 337 (4,5%) trường hợp có phản ứng nhẹ thông thường sau tiêm như: Sốt, sưng, đau và tự khỏi; chỉ có một trường hợp (0,01%) phản ứng quá mẫn sau tiêm đã được phát hiện, xử trí kịp thời. 

So với tiêm vắc xin Quinvaxem trước đây thì phản ứng sau tiêm của trẻ khi được tiêm vắc xin ComBE Five không khác biệt. Vắc xin ComBE Five đã được triển khai tại 43 quốc gia, cho đến nay hơn 400 triệu liều đã được sử dụng. Tại Việt Nam vắc xin này đã được dùng tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam từ năm 2016. Tỷ lệ trẻ có biểu hiện phản ứng thông thường sau tiêm của Bắc Giang là 4,5%, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo là từ 15-30%. Do vậy phụ huynh có thể yên tâm.

{keywords}

Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm phòng tại Trạm Y tế xã Tiền Phong (Yên Dũng).

PV: Để phòng ngừa và ứng phó kịp thời với tai biến sau tiêm, ngành y tế đã tập trung triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Đặng Thanh Minh: Vừa qua, tỉnh Nam Định có hai trường hợp trẻ tử vong tại nhà sau tiêm chủng từ 36 đến 48 tiếng. Qua phân tích, Hội đồng đánh giá tai biến phản ứng nặng sau tiêm chủng của tỉnh Nam Định đã kết luận: Trẻ tử vong không liên quan đến vắc xin; không do thực hành tiêm chủng.

Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chủ quan. An toàn luôn là yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng. Để hạn chế những trường hợp tai biến, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng quy trình tiêm chủng. Đặc biệt chú trọng các khâu khám sàng lọc, tư vấn cho người thân của trẻ cách theo dõi, chăm sóc trước và sau tiêm; biết cách nhận biết, xử trí ban đầu nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu phản ứng. Các cơ sở y tế cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân thông tin kịp thời tình hình của trẻ. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men, phương tiện sẵn sàng sơ cấp cứu ngay khi phát hiện ra phản ứng sau tiêm chủng. Hiện nay, tại bệnh viện tỉnh và huyện đã thành lập Đội cấp cứu lưu động thường trực 24/24 giờ trong những ngày tiêm, sau tiêm chủng, sẵn sàng hỗ trợ tại chỗ cho các điểm tiêm khi cần và thực hiện tiếp đón, cấp cứu cho các trường hợp phản ứng nặng (nếu có).

PV: Vậy ông có khuyến cáo gì với người dân khi đưa trẻ đi tiêm phòng loại vắc xin mới này?  

Ông Đặng Thanh Minh: Qua theo dõi, những phản ứng sau tiêm chủng chủ yếu là sốt, đau, sưng tại chỗ tiêm... có thể tự khỏi sau 1-2 ngày. Tuy vậy, chúng tôi luôn xác định không chủ quan khi tiêm, đặc biệt là khâu theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, cha mẹ cần chủ động thông báo với cán bộ y tế tình trạng sức khỏe con em mình như đang ốm, sốt, có tiền sử dị ứng, phản ứng với thuốc. Không tự ý đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm chủng. Trong trường hợp xuất hiện bất thường như: Sốt cao trên 39 độC; co giật; khóc thét; quấy khóc kéo dài; bỏ bú; bú kém; khó thở; tím tái; phát ban... hoặc khi phản ứng thông thường nhưng kéo dài quá 1 ngày không giảm cần thông báo cho cán bộ y tế để được hướng dẫn xử trí tại nhà hoặc đưa ngay trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế.

Hoài Thu

 (Thực hiện)


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...