Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo quản thực phẩm đúng cách trong ngày hè

Cập nhật: 07:00 ngày 04/05/2019
(BGĐT) - Mùa hè, thời tiết oi nóng khiến thức ăn dễ ôi thiu, nguy cơ ngộ độc tăng gấp nhiều lần so với các mùa khác trong năm. Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, chế biến và bảo quản đúng cách, thực hiện nguyên tắc "ăn chín, uống sôi"… là những khuyến cáo ngành y tế đưa ra cho các bà nội trợ, người chế biến, kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp hè.

Cửa hàng chè Ngon, số nhà 336, đường Nguyễn Thị Lưu II, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) những ngày đầu hè luôn có rất đông khách. Tại đây mỗi ngày đón khoảng 300 lượt khách, tăng từ 3-5 lần/ngày so với tháng trước. 

{keywords}

Thức ăn chín được bày bán chưa đúng quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh tại một điểm bán hàng ở xã Quế Nham (Tân Yên).

Bà Đỗ Thị Kim Loan, quản lý cho biết: “Với sữa chua, caramen phải để trong tủ lạnh, tôi thường xuyên nhắc nhở nhân viên kiểm tra nhiệt độ bảo quản. Với các loại chè, thạch, tôi chia nhỏ số lần nấu để tiêu thụ nhanh, hạn chế tối đa thời gian thức ăn tiếp xúc với không khí”.

Trong mỗi gia đình hiện nay chiếc tủ lạnh được các bà nội trợ coi như “bảo bối” để tích trữ thực phẩm phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bảo quản thức ăn bằng tủ lạnh cần đặc biệt chú ý bởi tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm, hạn chế sự xâm nhập, phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Khi sử dụng không đúng cách như đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ, đồ sống để lẫn thức ăn chín; nhiệt độ không phù hợp… khiến nguy cơ ngộ độc gia tăng.

Tổng hợp từ Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 850 bếp ăn tập thể, 700 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 12 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và hàng nghìn điểm thu gom, giết mổ, sản xuất thực phẩm. 

Theo ông Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn thường trực bởi thời tiết mùa hè oi nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh khiến thực phẩm dễ ôi thiu. Nếu sử dụng, nhẹ thì bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói sau từ 1- 48 giờ; nặng hơn có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 10 nguyên tắc “vàng” bảo đảm ATTP, đó là: Chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ bàn tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, dụng cụ chế biến sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch.

Hiện nay, một bộ phận người dân, nhất là người cao tuổi vùng nông thôn có thói quen ăn uống tằn tiện, không bỏ đồ ăn cũ, sử dụng lại nhiều lần. Thêm nữa, việc bảo quản lại không đúng cách nên tỷ lệ mắc bệnh của họ cao hơn người bình thường.Vì vậy, thực phẩm trước khi đưa ra bàn ăn cần phải chế biến kỹ, thực hiện đúng quy tắc “ăn chín, uống sôi”.

Với thực phẩm sau khi đã nấu chín mà không sử dụng hết cần đưa vào tủ lạnh cất giữ. Thời gian bảo quản tốt nhất trong vòng 4-5 giờ. Sau khi thức ăn thừa đã nguội cần dùng màng bảo quản thực phẩm hoặc hộp chuyên dụng đậy kín rồi cho ngay vào tủ lạnh. 

Ông Thể cũng nhấn mạnh, phải để thức ăn thật nguội rồi mới được cho vào tủ lạnh vì khi thức ăn còn nóng đột ngột cho vào môi trường nhiệt độ thấp sẽ bị ngưng tụ hơi nước, càng tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Thức ăn thừa khác nhau cần phải bỏ riêng để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn. 

Giữ nhiệt độ tủ lạnh dưới 4 độ C, tủ đông là dưới 0 độ. Thực phẩm khi cất giữ trong tủ lạnh nên chia thành các lượng vừa đủ cho một lần dùng. Trước khi ăn phải hâm nóng lại trong vòng vài phút mới có thể giết chết các mầm bệnh.

Theo khuyến cáo của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh, đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại trường học, doanh nghiệp, người chế biến thực phẩm cần lựa chọn và sử dụng những thực phẩm rõ nguồn gốc, còn hạn sử dụng.

Tránh sử dụng các loại thực phẩm lên men như: Nem, nộm, dưa chua; thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu. Đặc biệt, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, mặt hàng ăn uống cần nâng cao trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, phòng, tránh ngộ độc thực phẩm.

Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc trong dịp nghỉ lễ
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
 
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Nâng cao nhận thức đi đôi với kiểm tra, giám sát
(BGĐT) - Dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào nhưng thực tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP). Để hạn chế, phòng ngừa những tác động tiêu cực đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và người tiêu dùng cùng vào cuộc.
 
Giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú
(BGĐT) - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi ở nhiều địa phương lân cận cộng với thông tin học sinh mầm non ăn phải thịt lợn nhiễm sán ở Bắc Ninh, nhiều phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú của con trẻ tại trường học trên địa bàn tỉnh.
 
Tường Vi
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...