Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vẫn khó kiểm soát chất lượng bữa ăn ca công nhân

Cập nhật: 20:25 ngày 10/05/2019
(BGĐT) - Chất lượng bữa ăn ca góp phần bảo đảm sức khỏe người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, việc thuê nhà thầu nấu ăn (chế biến tại doanh nghiệp hoặc cung cấp suất ăn sẵn) vẫn khiến nhiều người lo ngại về việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc tập thể.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Mới đây, trong kết quả khảo sát các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại các KCN, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế nhận định: Có khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do các suất ăn công nghiệp được chế biến từ nơi khác rồi đem đến phục vụ công nhân. 

Thế nhưng, khi kiểm tra, đa phần các đơn vị cung cấp suất ăn đều xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận bảo đảm ATTP, hợp đồng đơn vị cung cấp thực phẩm…

{keywords}

Bếp ăn tập thể tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc (Việt Yên).

Còn tại địa bàn các KCN của tỉnh Bắc Giang, trong 186 DN tổ chức cung cấp suất ăn cho người lao động (NLĐ) có 150 DN thuê nhà thầu tổ chức bếp ăn tại DN và đặt mua sẵn hơn 55,8 nghìn suất ăn/ngày. 

Theo ông Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào song không vì thế mà chủ quan bởi việc tổ chức bếp ăn của DN, nhất là thuê nhà thầu nấu, cung cấp suất ăn sẵn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.

Năm 2018, Chi cục kiểm tra 29 DN tại các khu, cụm công nghiệp; xử phạt 4 đơn vị hơn 69 triệu đồng. “Hiện nay, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra bếp ăn tập thể tại DN thực hiện theo kế hoạch, còn chủ yếu vẫn do DN tự kiểm soát, phòng ngừa. 

Chỉ khi nào nhận được thông tin về dấu hiệu vi phạm hoặc xảy ra ngộ độc thực phẩm thì cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra đột xuất, chuyên sâu. Mà khi ấy, sức khỏe NLĐ đã bị ảnh hưởng, thậm chí trong thời gian dài”, ông Thể nói.

Ngoài cơ quan chức năng thì vai trò giám sát chất lượng bữa ăn ca của tổ chức công đoàn cơ sở cũng rất quan trọng. Tuy nhiên công tác này đang gặp khó khăn do cán bộ công đoàn không có chuyên môn và thiếu thiết bị chuyên dùng. 

Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm thì hầu hết DN chỉ dừng lại ở mức độ cắt, hủy hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ nấu ăn mà ít có những ràng buộc khác về pháp lý.

Ông Hoàng Văn Thao, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang (KCN Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, DN hợp đồng với một đơn vị ở tỉnh Bắc Ninh bao trọn gói các khâu từ mua nguyên liệu đến chế biến, cung cấp 3 bữa (sáng, trưa, tối) cho hơn 7 nghìn công nhân/ngày. 

Hằng ngày, Ban giám sát ATTP do công đoàn cơ sở thành lập thường xuyên giám sát việc tổ chức bếp ăn và lưu mẫu theo quy định. "Rất khó khẳng định thực phẩm mang đến chế biến tại DN có đúng ở nơi cung cấp như trong hợp đồng. 

Còn khi đã chế biến thành món ăn thì chúng tôi cũng chỉ đánh giá bằng cảm quan chứ không có thiết bị để kiểm tra nhanh xác định thức ăn có an toàn hay không”, ông Thao nói.

Nâng cao trách nhiệm của chủ DN

Việc cung cấp suất ăn cho NLĐ không chỉ thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của DN với công nhân mà còn liên quan trực tiếp đến lợi ích của DN. Nếu tổ chức tốt, sức khỏe NLĐ được bảo đảm, họ sẽ yên tâm làm việc, cống hiến cho DN; ngược lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN sẽ bị đình trệ, mất ổn định. 

Toàn tỉnh hiện có 852 bếp ăn tập thể. Trong đó, ở các KCN tỉnh có 186 DN đơn vị cung cấp suất ăn cho người lao động (NLĐ) theo các hình thức gồm: 36 DN tự tổ chức nấu ăn, cung cấp hơn 125,8 nghìn suất ăn/ngày; 150 DN thuê nhà thầu tổ chức bếp ăn tại DN và đặt mua sẵn hơn 55,8 nghìn suất ăn/ngày. Ngoài ra, còn có 56 DN phát tiền cho công nhân tự lo bữa ăn ca.

Dù vậy, bên cạnh những chủ sử dụng lao động quan tâm cải thiện bữa ăn thì không ít DN lại phó mặc cho phía cung cấp dịch vụ. Thậm chí tại một số DN đã từng xảy ra ngừng việc tập thể do bữa ăn ca quá tệ.

Tháng 8-2018, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch về xây dựng mô hình “Công đoàn tham gia bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca trong DN” giai đoạn 2018-2023. 

Theo đó các công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động nâng giá trị bữa ăn ca từ 15 nghìn đồng trở lên. 

Hiện có 283/397 DN có tổ chức công đoàn đưa nội dung ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể. Trong đó có 85 DN chi suất ăn mỗi bữa hơn 20 nghìn đồng; 294 DN chi từ 15-20 nghìn đồng. Còn 17 DN chi suất ăn dưới 15 nghìn đồng.

Ông Ngô Biên Cương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, mức tối thiểu 15 nghìn đồng/suất ăn công nghiệp chỉ là cơ sở để vận động chủ DN chứ không phải bắt buộc vì hiện chưa có quy định cụ thể. Do vậy việc quyết định nâng hay không đều là quyền của DN. 

Tuy nhiên, nếu bữa ăn quá thấp, kém chất lượng, gây ngộ độc thực phẩm thì công đoàn có thể đại diện cho công nhân đòi quyền lợi. Để nâng cao kiến thức cho cán bộ công đoàn cơ sở, mới đây, Công đoàn các KCN tỉnh (đang quản lý số lượng đoàn viên lớn nhất) đã tập huấn về ATTP cho 91 DN.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho rằng: Để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm vào bếp ăn công nghiệp, bảo đảm ATTP cho NLĐ thì trách nhiệm của chủ DN phải đặt lên hàng đầu. Bởi nếu để xảy ra ngộ độc thì DN không chỉ tốn kém chi phí khắc phục, chịu phạt mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, tiến độ các đơn hàng. 

Với những DN thuê nhà thầu tổ chức bếp ăn thì việc kiểm soát thực phẩm đầu vào, quy trình chế biến phải bảo đảm chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định về ATTP; lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp có uy tín, được đánh giá kiểm định bởi các cơ quan chuyên môn; lắp camera để thường xuyên giám sát việc nấu ăn và đầu tư thiết bị kiểm tra nhanh các mẫu thức ăn...

Hải Dương: Hàng chục công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
Bác sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cho biết: Khoảng 16 giờ ngày 10-4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận 30 công nhân của Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam nhập viện trong tình trạng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài.
 
Đà Nẵng xử phạt cơ sở bán bánh mì gây ngộ độc thực phẩm
Ngày 6-3, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, UBND TP Đà Nẵng vừa ra quyết định xử phạt hành chính 98 triệu đồng và đình chỉ 4 tháng đối với Cơ sở sản xuất bánh mì, bánh ngọt do bà Đoàn Thị Ngọc Vương ( sinh năm 1988, trú tại đường Văn Tiến Dũng, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) làm chủ.
 
Gần 30 học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa liên hoan
Ngày 18-1, sau bữa ăn liên hoan, gần 30 học sinh Trường Tiểu học Thuận Giao 2, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, được đưa đến bệnh viện cấp cứu vì có biểu hiện nghi do ngộ độc thực phẩm.
 

Tường Vi - Khôi Nguyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...