Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống / Nói không với thực phẩm bẩn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý an toàn thực phẩm ở cấp xã: Mới dừng ở... nhắc nhở

Cập nhật: 10:14 ngày 09/12/2016
(BGĐT) - Sau nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng hơn. Ở cấp xã tuy có chuyển biến nhất định song còn nhiều vấn đề cần lưu tâm.
{keywords}

Quầy bán thịt lợn tại số 104, đường Nguyễn Thị Lưu 2, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang).  Ảnh: Tuyết Mai

Theo số liệu mới nhất của Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành tỉnh về ATTP, 100% huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn đã kiện toàn BCĐ liên ngành về ATTP; giao trách nhiệm quản lý cơ sở thực phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm cho đơn vị chức năng cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn. Hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP được quan tâm thực hiện trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.

Tìm hiểu tại phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) được biết, địa phương đã thành lập BCĐ liên ngành về ATTP do Phó Chủ tịch UBND phường là Trưởng ban. Trên địa bàn có hai chợ (Hà Vị và Khu dân cư số 3) cùng 80 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc quyền quản lý. Công tác chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành quy định về ATTP được quan tâm. Trực tiếp Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường cùng các thành viên đi kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người dân. Phường tổ chức ký cam kết, tập huấn, khám sức khỏe và cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở. 

Anh Nguyễn Ngọc Thanh, chủ quán phở Tâm Rừng ở số 4- 6, đường Vương Văn Trà, phường Trần Nguyên Hãn nói: “Nhận thức ATTP là vấn đề sống còn, uy tín của nhà hàng nên tôi chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh cho thực khách. Các khâu từ lựa thịt bò tươi đến chế biến, phục vụ tôi đều quán xuyến chặt chẽ, hướng dẫn người làm cẩn thận”. Quan sát khu vực phòng ăn, chế biến, tuy không sang trọng song thoáng rộng, không bị ám mùi thức ăn. Xoong nồi, tủ đựng thức ăn, bàn ghế sạch sẽ, có dụng cụ che đậy thực phẩm. Bát đũa hằng ngày được luộc nước sôi khử mùi, khử khuẩn. Toàn bộ thức ăn dư thừa (nếu có) được xử lý ngay sau 9 giờ sáng hằng ngày. 

Tại phường Lê Lợi, khi người dân chuẩn bị tổ chức đám cưới hoặc đến làm thủ tục đăng ký kết hôn, UBND phường có hướng dẫn, vận động ký bản cam kết sử dụng, chế biến thực phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh. 

Tuy nhiên, chưa phải xã, phường nào cũng làm được như vậy. Phần lớn các xã mới dừng ở việc lập kế hoạch triển khai công tác ATTP năm 2016 theo các đợt cao điểm trong năm như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tháng hành động. Phần đông cán bộ làm công tác này chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý, kiểm tra ATTP. Do vậy việc thống kê, phân loại cơ sở thực phẩm ở tuyến xã chưa thực sự đầy đủ, chưa lập được sổ theo dõi, chưa đủ thông tin cần thiết để phân loại, đánh giá điều kiện bảo đảm ATTP theo phân cấp. Việc ký cam kết bảo đảm ATTP đối với cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ do cấp xã quản lý cũng chậm được thực hiện. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm chủ yếu chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt theo quy định. 

Theo bà Nguyễn Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Nguyên Hãn, công tác kiểm tra gặp khó khăn do thiếu kinh phí, nhân lực nghiệp vụ hạn chế. Không có cán bộ công thương, nông nghiệp, BCĐ liên ngành phường phải huy động cả cán bộ địa chính, văn hóa tham gia. Chủ yếu mới kiểm tra phần ngọn, cảm quan, một số quy định về điều kiện, thủ tục hành chính. Phương tiện kỹ thuật duy nhất phường được trang bị là 15 bộ test dùng để phát hiện hàn the trong giò chả. Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, hiện nay có nhiều cơ quan liên quan tham gia quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm song vẫn còn nhiều lỗ hổng. Bà đề xuất nên quy trách nhiệm cho một cơ quan phụ trách chính và bố trí nguồn lực từ ngân sách cho công tác này. 

Theo thống kê, hiện số cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ chiếm hơn 90% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh và 83,8% số chợ hạng 3 do cấp xã quản lý, đa số chưa đạt đủ điều kiện bảo đảm ATTP, việc tổ chức quản lý, kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong quản lý ATTP là rất quan trọng, có tính chất trực tiếp hằng ngày. Vì vậy, sau bước kiện toàn, cần quan tâm đầu tư trang bị cho BCĐ liên ngành cấp xã về nghiệp vụ, phương tiện, kinh phí để bảo đảm hoạt động, nếu không rất dễ rơi vào tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”.

Lâm Dũng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...