Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống / Nói không với thực phẩm bẩn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kiểm soát thực phẩm mùa lễ hội: Liên tục kiểm tra, mạnh tay xử lý

Cập nhật: 11:08 ngày 13/02/2017
(BGĐT) - Ngày xuân, hàng nghìn du khách tham quan, vãn cảnh tại các lễ hội trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu của khách, nhiều cửa hàng ăn uống mang tính thời vụ, tự phát được mở. Với đặc thù nhanh, rẻ, thuận tiện, đa số các cửa hàng ăn uống đều để thực phẩm không che đậy, mất vệ sinh. 
{keywords}

Một bếp ăn tại lễ hội làng Bừng, xã Tân Thanh (Lạng Giang).

Thời tiết nắng nhẹ, các loại đồ ăn quen thuộc, bình dân như: Chè thập cẩm, sữa chua, xúc xích, bánh mì thịt nướng… phơi bày giữa không gian lễ hội làng Bừng, xã Tân Thanh (Lạng Giang) trong ngày chính hội 11 tháng Giêng. Điều làm nhiều người băn khoăn là những túi thạch xanh, đỏ; các loại kẹo ngậm, kẹo bông… không nhãn mác, nguồn gốc thu hút rất đông thực khách là trẻ nhỏ. Sau khi ăn, môi cháu nào cũng đỏ loẹt bởi phẩm màu. Chị Nguyễn Thị Hiền, thị trấn Vôi chia sẻ: “Biết là không bảo đảm vệ sinh nhưng bọn trẻ đòi mua nên tôi chiều theo”.

Lễ hội làng Thân, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) tổ chức ngày 11, 12 tháng Giêng. Tại đây, hàng chục hàng quán bày biện đủ loại thịt luộc, cá rán, quẩy, nem… không có tủ kính che đậy, lại liền kề khu vực tổ chức các trò chơi chọi gà, bóng chuyền, thêm vào đó dòng người trẩy hội cuốn theo nhiều bụi đất. Gần đó là những xô đựng thức ăn thừa, không nắp đậy, kề bên miệng cống thoát nước thải, ruồi nhặng bu bám, rất mất vệ sinh. Do đông khách, các chủ quán không kịp dọn dẹp, mặc cho thức ăn thừa, túi ni lông, giấy ăn, vỏ hoa quả... bừa bộn dưới chân nhưng người lớn, trẻ em vẫn ngồi ăn rôm rả. 

Tìm hiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bác sĩ Phạm Sơn Tùng, Trưởng khoa cảnh báo, ăn uống không bảo đảm vệ sinh là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đường ruột, nguy cơ ngộ độc cao. Được biết từ đầu tháng 2 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận hơn 10 ca ngộ độc thực phẩm cấp tính. 

Theo quy định, để bảo đảm ATTP, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại lễ hội phải có đủ nước sạch, dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống, nơi chế biến sạch sẽ, cách biệt nguồn ô nhiễm, người phục vụ đeo tạp dề, khẩu trang, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, thức ăn bảo quản trong tủ kính… Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại lễ hội bỏ qua những quy định bắt buộc này.

Nắm bắt thực trạng, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các ban quản lý lễ hội; yêu cầu cơ sở kinh doanh ăn uống thực hiện nghiêm quy định về ATTP; không để tình trạng hàng quán nhếch nhác, tạm bợ ở các lễ hội lớn sắp diễn ra như: Hội chùa Bổ Đà, Lễ hội Yên Thế, Hội Y Sơn… Trong đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra về ATTP mùa lễ hội năm nay, Ban chỉ đạo tỉnh thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện thực phẩm có nguy cơ sẽ lấy mẫu hoặc làm test thử nhanh để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. 

Ông Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, lần đầu tiên trong mùa lễ hội năm nay, Chi cục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện kiểm nghiệm lưu động để lấy mẫu xét nghiệm nhanh thực phẩm. Cũng từ đầu mùa lễ đến nay, lực lượng chức năng kiểm nghiệm hơn 10 mẫu thức ăn, trong đó phát hiện một mẫu bánh đúc chứa hàn the. 

Minh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...