Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống / Nói không với thực phẩm bẩn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ nông thôn

Cập nhật: 09:23 ngày 12/04/2017
(BGĐT) - Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 109 chợ hạng III, chủ yếu ở nông thôn. Lâu nay, việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ vẫn được xem là bài toán khó.     
{keywords}

Thực phẩm sống bán cạnh đồ ăn chín tại chợ Vôi (Lạng Giang).

Khó kiểm soát

Chợ Vôi (Lạng Giang) không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của người dân trong vùng mà còn là điểm giao buôn các loại thịt cho nhiều chợ ở TP Bắc Giang. Sáng sớm, một số chủ quầy thịt ở chợ Hà Vị, Cầu Chui về đây lấy hàng. Mỗi ngày, chợ cung cấp khoảng 5-6 tấn thịt lợn, trâu, bò cho khách. 

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm được kiểm dịch thú y sơ sài, thậm chí có sản phẩm chưa qua kiểm dịch. Người tiêu dùng không thể biết nguồn gốc miếng thịt vì đã qua nhiều lần mua đi bán lại. Hàng được bày bán trên những chiếc bàn đã cũ, cáu bẩn, sống chín lẫn lộn. Tháng 1-2017, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 8 mẫu thực phẩm, phát hiện một mẫu chưa bảo đảm quy định.

Trong tháng 4, 5- 2017, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh và huyện tổ chức đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra khâu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn, trong đó chú trọng làm rõ nguồn gốc sản phẩm ở khu vực nông thôn.

Chợ Phương Sơn (Lục Nam) cũng là nơi cung ứng thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng. Tại khu vực bán thủy sản, người bán hàng sơ chế tôm, cua, cá ngay dưới nền đất, cạnh đống phế phẩm bốc mùi hôi tanh. Cách sơ chế như vậy dễ làm thực phẩm bị nhiễm khuẩn cũng như gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Người bán hàng cho hay đa phần người mua yêu cầu làm sẵn nên phải chiều lòng để giữ khách. 

Tình trạng này diễn ra phổ biến ở chợ Cầu Treo, xã Minh Đức (Việt Yên), chợ Lữ Vân, chợ Rào (Tân Yên), chợ Triển (Lạng Giang), chợ Gió, chợ Bầu (Hiệp Hòa)… Đa phần thực phẩm chưa được kiểm soát về nguồn gốc, sắp xếp hàng hóa thiếu quy củ. Đồ ăn đã qua chế biến không che đậy hay bảo quản trong tủ lạnh, tủ kính  khiến ruồi, vi khuẩn có thể tấn công gây mất vệ sinh. Rác, nước thải ứ đọng. Trong khi đó, việc kiểm dịch động vật, kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, bảo quản rau quả còn gặp nhiều khó khăn, chưa toàn diện. Đa số tiểu thương mua buôn thực phẩm tươi sống từ những hộ sản xuất tại địa phương hoặc nhập hàng từ các chợ đầu mối. 

Đẩy mạnh các biện pháp quản lý

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh mới đây, tình hình ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm cao, chưa kiểm soát được ô nhiễm trước thu hoạch và khi lưu thông trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm tươi sống. Năm 2016, ngành nông nghiệp kiểm nghiệm 80 mẫu thực phẩm tươi sống, phát hiện 3/40 mẫu thịt chứa vi khuẩn Salmonella. Kiểm nghiệm 550 mẫu rau quả, chè bằng test phân tích nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ năm 2011-2016 phát hiện 50% mẫu có dư lượng ở mức cho phép, 8% mẫu có dư lượng vượt ngưỡng.

{keywords}

Lực lượng chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm  thực phẩm tại chợ tạm Ngô Quyền (TP Bắc Giang).

Để nâng cao hơn nữa việc bảo đảm ATTP ở chợ nông thôn, các ngành chức năng cần tích cực thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm cơ sở kinh doanh vi phạm điều kiện vệ sinh. Trong đó tăng cường cán bộ thú y thực hiện kiểm dịch động vật đúng quy định tại các chợ. 

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết, cách làm của huyện là yêu cầu ban quản lý các chợ tập trung rà soát, thống kê, lập danh sách cụ thể số hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ; phân khu riêng biệt từng nhóm mặt hàng để bố trí, sắp xếp hợp lý, bảo đảm ATTP; yêu cầu các hộ buôn bán chấp hành quy định về nguồn gốc thực phẩm, cách thức bảo quản… 

Theo ông Đào Nguyên Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, từ quý II-2017, lực lượng quản lý thị trường tập trung thắt chặt kiểm soát chất lượng thực phẩm tươi sống tại chợ nông thôn bằng cách truy xuất nguồn gốc, thu giữ, xử lý sản phẩm không bảo đảm an toàn. 

Cùng đó, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP huyện, TP tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên giám sát hộ kinh doanh, tăng cường kiểm tra vào các thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Các địa phương đẩy mạnh vận động, hướng dẫn phương thức sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn, nói không với chất cấm trong bảo quản rau, quả, hải sản; quảng bá, giới thiệu địa chỉ kinh doanh thực phẩm uy tín đến người tiêu dùng và công khai cơ sở vi phạm.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...