Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống / Nói không với thực phẩm bẩn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ẩn họa từ thực phẩm khô

Cập nhật: 10:48 ngày 22/12/2017
(BGĐT) - Không nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng... là đặc điểm chung của nhiều loại thực phẩm khô đang được bày bán tại thị trường, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
{keywords}
Khách hàng chọn mua măng, miến tại chợ Thương (TP Bắc Giang).

Chung tiêu chí "3 không"

Trong vai người cần mua một lượng thực phẩm lớn để mở quán cơm bình dân, chúng tôi đến chợ Thương- chợ đầu mối lớn của nhiều mặt hàng tiêu dùng. Dừng chân tại một ki- ốt chuyên bán thực phẩm khô, hỏi mua măng khô, bà N bán hàng niềm nở: "Măng có nhiều loại, thông thường là măng trúc, măng nứa, măng vầu, măng lưỡi lợn… mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng, được nhập từ một số tỉnh như Hòa Bình, Tuyên Quang... Giá bán dao động từ 130 đến 220 nghìn đồng/kg, tùy loại, chất lượng". Thấy các loại măng đều có màu vàng bắt mắt, hỏi cách bảo quản, không giấu giếm, bà N phân trần: "Đã là măng khô thì đều phải có thêm chất bảo quản mới không bị nấm, mốc. 

Tuy vậy, măng sau khi chế biến, người ăn vẫn bảo đảm an toàn. Bà N còn dặn thêm: "Nếu nấu để gia đình ăn thì nên ngâm măng bằng nước nóng khoảng 3 ngày trước khi nấu". 

Đến dãy bán cá khô, trước mắt chúng tôi là vô số loại cá, từ cá mắm, cá chỉ vàng, mực cho đến tôm khô được bày bán song không hề có dụng cụ che đậy. Chị T, chủ sạp hàng cho biết, so với mấy tháng trước, thời điểm này cá khô đắt hàng hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết se lạnh, cá khô được nhiều bà nội trợ lựa chọn. Ngoài bán lẻ cho khách, mỗi ngày chị T còn đóng cả chục cân cá khô cho các mối quen ở một số chợ huyện.

Năm 2017, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã thanh, kiểm tra đối với 4.077 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; kiểm tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP đối với 45 cơ sở. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở với tổng số tiền 120 triệu đồng.

Tại nhiều chợ dân sinh khác, thực phẩm khô cũng được bày bán rất phổ biến. Ngoài măng, cá còn có nhiều loại thực phẩm khác như hạt sen, nấm hương, mộc nhĩ, măng, miến... Hầu hết các mặt hàng này đều được chứa, đựng trong túi ni-lông hoặc bao tải với đặc điểm chung là "ba không": Không có nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ và không hạn sử dụng. 

Ở chợ Thanh Xuân, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), thực phẩm khô được các chủ quầy chất thành đống để trên bạt, trong bao tải. Bà Nguyễn Thị Liễu ở xã Tiên Hưng đang chọn mua măng, miến chuẩn bị cho đám cưới con trai nói: "Mâm cỗ quê từ lâu không thể thiếu món măng. Dù còn gần một tháng nữa mới đến ngày tổ chức nhưng tôi phải chủ động mua sớm. Làm cỗ nên tôi tính mua dư ra chút ít vì nếu không dùng hết thì để đến Tết. Măng khô không lo nhanh hỏng, thường tôi cứ trông màu sắc còn tươi, hàng khô ráo thì mua". 

Thận trọng khi mua

Những tháng cuối năm, theo nhận định của các tiểu thương, nhu cầu mua các loại thực phẩm khô sẽ tăng hơn. Tuy nhiên, mặt hàng có bảo đảm vệ sinh ATTP khi đến tay người tiêu dùng hay không thì ngay cả người bán cũng không dám chắc, nhất là trong điều kiện bảo quản khá sơ sài của người bán. Vào những ngày nồm, độ ẩm không khí lớn, sản phẩm khô thường “hút ẩm” và khi đã bị ẩm thì rất nhanh hỏng.Thời gian qua, ở một số tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, lực lượng chức năng qua kiểm tra đã phát hiện nhiều loại thực phẩm vi phạm quy định về vệ sinh ATTP. Đối với nhóm thực phẩm khô, vi phạm chủ yếu là sử dụng không đúng liều lượng trong chế biến, bảo quản. Ví dụ như măng có hàm lượng lưu huỳnh cao, cá khô có tồn dư phẩm màu tẩm ướp... ảnh hưởng đến sức khỏe con người. s

Ông Đào Xuân Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết:  Thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với ngành chức năng liên quan để kiểm tra nhưng chủ yếu mới tập trung vào những mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày như rau, thịt, cá... còn với thực phẩm khô thì chưa có đợt kiểm tra chuyên biệt nào. 

Nhiều ý kiến cho rằng, quản lý chất lượng vệ sinh ATTP hiện nay mới dừng lại ở phần ngọn là đầu ra của sản phẩm. Do vậy, để loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm nguy hại với sức khỏe con người, bên cạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, các ngành liên quan như nông nghiệp, công thương, y tế cần tăng cường phối hợp kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý những cơ sở kinh doanh, chế biến, vận chuyển vi phạm. Đồng thời, tích cực lấy các mẫu thực phẩm nghi ngờ để kiểm tra, xét nghiệm.Từ đầu năm đến nay, tuy trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc nào liên quan đến thực phẩm khô nhưng không vì thế mà các cơ sở sản xuất và người tiêu dùng chủ quan trong chế biến, lựa chọn thực phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh ATTP (Sở Y tế): Nguyên tắc cơ bản nhất là chỉ dùng những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không ôi thiu, ẩm mốc, khi sử dụng phải ăn chín, uống sôi.

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...