Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chế tạo máy hỗ trợ tập luyện bóng chuyền

Cập nhật: 06:49 ngày 13/08/2018
(BGĐT)-Bằng niềm đam mê với môn bóng chuyền, cuối năm 2017, em Võ Duy Tùng, hiện là học sinh lớp 11A8 Trường THPT Tân Yên 2 đã chế tạo máy hỗ trợ tập luyện môn bóng chuyền. Sản phẩm mang lại hiệu quả thiết thực và được ứng dụng thành công trong cuộc sống.
{keywords}

Em Võ Duy Tùng đang cho bóng chạy thử trong hệ thống.

Tùng cho biết: “Em thường xuyên tập luyện môn bóng chuyền để rèn sức khỏe cũng như tham gia thi đấu các giải thể thao cấp trường, địa phương. Môn này có đặc thù là quá trình chơi phải phụ thuộc vào người khác, nhiều hôm không rủ được bạn bè tập cùng, em đành nghỉ. Từ thực tế này, em quyết tâm làm ra thiết bị hỗ trợ tập luyện bóng chuyền”.

Chiếc máy được lắp từ 2 tấm gỗ dài, động cơ bắn bóng gắn mô tơ và bàn xoay chuyển hướng giữ bóng, điều khiển được tốc độ. Đồng thời, máy còn có thiết kế khóa giữ bóng sau mỗi lần bắn và chân đế bánh xe, tạo thuận lợi khi di chuyển. Nhớ lại khoảng thời gian thiết kế chiếc máy, Tùng kể, trục khuỷu và lò xo là hai bộ phận khó lắp ghép nhất, chỉ cần hơi lệch hoặc vặn không chắc thì bóng bắn ra sẽ bị lệch. Để lắp đặt được bộ phận lò xo, trục khuỷu bảo đảm tốc độ và hướng bắn bóng, nhiều hôm Tùng loay hoay tháo ra, ghép lại rồi tập thử từ sáng đến tối muộn mới phát hiện ra phương pháp hữu hiệu.

“Em thấy vất vả nhất là thời gian đầu. Sau khi hoàn thiện, tốc độ bắn bóng không theo ý muốn, nửa tháng liên tiếp em rủ thêm các bạn tập luyện để thử nghiệm và tìm ra cách khắc phục”, Tùng chia sẻ. Máy hoạt động theo nguyên lý, quả bóng đặt trong hệ thống chứa. Mô tơ kéo lò xo về phía sau làm bóng rơi xuống hệ thống và được tác động một lực đột ngột vào quả bóng giúp bắn sang trái, phải tùy theo hướng người tập. Bóng tiếp tục trong hệ thống chứa chuyển vào khu vực bắn thành một chu kỳ liên hoàn; tốc độ bắn tối đa từ 8-10 quả/phút. Thiết bị không gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường.

Được biết, các bộ phận của máy Tùng tận dụng từ những phế liệu nên chi phí chỉ gần 2 triệu đồng/máy. Sau khoảng 3 tháng thực hiện, Tùng đã hoàn thiện “Máy hỗ trợ tập luyện môn bóng chuyền” cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Hiện thiết bị được đặt tại sân chơi bóng chuyền của nhà trường, thu hút đông các bạn tham gia. Ngoài việc phục vụ cho sở thích của bản thân, sản phẩm của Tùng còn giúp mọi người có thể tự tập luyện bộ môn thể thao này.

Vừa qua, "Máy hỗ trợ tập luyện môn bóng chuyền” của Tùng được trao giải Nhì tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bắc Giang lần thứ XIV năm 2018. Tại đây, Ban Giám khảo đã đánh giá cao về khả năng hoạt động cũng như tính ứng dụng trong thực tiễn của sản phẩm.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...