Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tân Yên: Trao sinh kế cho người lầm lỗi

Cập nhật: 14:45 ngày 09/09/2022
(BGĐT) - Những người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường gặp nhiều khó khăn về đời sống. Để họ sớm hòa nhập cộng đồng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, nhất là giới thiệu việc làm, trao sinh kế.

Tạo sinh kế

Xã Lam Cốt hiện có 20 người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Ông Đồng Văn Phái, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau khi Công an xã thiết lập hồ sơ quản lý, hỗ trợ thủ tục pháp lý, xã phân công các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ họ sớm hòa nhập cộng đồng. 

{keywords}

Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh dự lễ ra mắt mô hình điểm tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn xã Ngọc Vân (Tân Yên).

Cán bộ được giao nhiệm vụ là người có uy tín, nhiệt tình thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người được giúp đỡ. Xã tập trung rà soát, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi, sản xuất”.

Trường hợp anh Hoàng Văn Đ, thôn Đông Thành là điển hình về ý chí vượt qua mặc cảm. Anh Đ từng bị tuyên án 18 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Hối hận với việc mình gây ra, anh Đ quyết tâm cải tạo tốt và được giảm án, về địa phương trước hạn 3 tháng. Qua nhiều lần trò chuyện, đại diện Đoàn Thanh niên xã biết anh có nguyện vọng chăn nuôi để tự lo cho bản thân và gia đình nhưng ngặt nỗi không có vốn. 

Đoàn xã đã đề xuất UBND xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ anh vay 40 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay và người thân giúp đỡ, anh đầu tư nuôi lợn và gia cầm. 

Nhờ sự cần cù, chịu khó, thu nhập của gia đình anh Đ. ổn định với khoảng 10 triệu đồng/tháng. Giống như anh Đ, các anh Nguyễn Văn Q , Dương Quang T cũng được hỗ trợ vay vốn để đầu tư sản xuất. Hiện các trường hợp trở về địa phương tại Lam Cốt đều có việc làm ổn định, chấp hành tốt quy định pháp luật.

Tại xã Ngọc Châu, ngoài hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, UBND xã còn vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng những người đã chấp hành xong án phạt tù vào làm việc. Hiện cả 10 trường hợp trở về địa phương sau thời gian cải tạo đều có việc làm. Trong đó 7 người làm việc tại các doanh nghiệp ở huyện Tân Yên, Việt Yên; 3 người làm nghề tự do. 

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Hùng Thảo ở thôn Cầu Xi (xã Ngọc Châu) chia sẻ: “Dù thu nhập không cao nhưng có việc làm ở Công ty là mở ra cuộc sống mới đối với một người hoàn lương. Hiện Công ty có hai trường hợp từng chấp hành án tù trở về đang làm việc. Họ rất chăm chỉ, chịu khó và tích cực tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình điểm

Giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng là việc làm nhân văn, góp phần phòng ngừa tái phạm và tội phạm phát sinh mới. Thời gian qua, huyện Tân Yên đã triển khai nhiều phương thức hỗ trợ người từng lầm lỡ sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường, trở thành công dân có ích. 

 Các tổ chức chính trị, đoàn thể địa phương đã giúp đỡ hơn 100 trường hợp trong số này (chiếm khoảng 40% tổng số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương) vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Do có việc làm ổn định, tình trạng người lầm lỗi tái phạm giảm so với những năm trước.

Huyện Tân Yên hiện có 305 người trong diện tái hoà nhập cộng đồng, trong đó có 7 trường hợp đặc xá, 298 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Từ năm 2021 đến nay, các tổ chức chính trị, đoàn thể địa phương đã giúp đỡ hơn 100 trường hợp trong số này ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Công an huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng. 

Từ đầu năm đến nay, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 45 buổi tuyên truyền tại 22 xã, thị trấn với hơn 2 nghìn lượt người tham dự. 

ĐoànThanh niên, Hội Phụ nữ và công an các xã, thị trấn đã khai thác hiệu quả mạng xã hội, trang thông tin điện tử để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đúng quy định quản lý người lầm lỗi sau khi trở về địa phương. 

Ông N. ở thôn Cầu Cần (xã Việt Lập) nói: “Những ngày đầu mới chấp hành án trở về, tôi cũng mặc cảm vì hành vi phạm tội của mình nên ngại tiếp xúc với mọi người. May mà có cán bộ cựu chiến binh thường xuyên đến chia sẻ, động viên, dần dần tôi đã lấy lại niềm tin vào cuộc sống, chủ động tham gia các hoạt động của địa phương”. Sau hai năm trở về, ông N. tích cực tham gia Chi hội Cựu chiến binh và các hoạt động, phong trào của thôn.

Tại mỗi nơi lại có những cách làm, mô hình khác nhau. Từ tháng 5 đến nay, xã Ngọc Vân duy trì hiệu quả mô hình “Tổ tự quản hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” với các thành viên là đại diện các tổ chức chính trị, trưởng thôn, bí thư chi bộ hoặc công an viên của các thôn, tổ dân phố. 

Họ là người nắm rõ hoàn cảnh từng trường hợp nên dễ dàng tiếp cận với các đối tượng, trở thành cầu nối để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người có quá khứ lầm lỗi đến cơ quan chức năng để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Mới đây, Công an huyện, UBND thị trấn Nhã Nam, Cao Thượng và các xã: Tân Trung, Ngọc Châu tổ chức ra mắt các mô hình “Tổ tự quản hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng”.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động thời gian tới, theo ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện, các cấp, ngành, đoàn thể cần vào cuộc quyết liệt hơn. Về lâu dài, các xã, thị trấn quan tâm tạo điều kiện tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi ổn định cuộc sống, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật tại nơi cư trú, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. 

Quan tâm hỗ trợ các thủ tục vay vốn, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chủ động thu thập thông tin về tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện để giới thiệu việc làm. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn đối tượng thụ hưởng chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm. 

Công an huyện đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; chỉ đạo công an các xã, thị trấn và đội nghiệp vụ có liên quan trong công tác tham mưu UBND cùng cấp thực hiện các biện pháp tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ người lầm lỗi.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời
(BGĐT) -  Từng lầm lỡ, phải trả giá bằng những năm tháng trong trại giam, sau khi trở về địa phương, nhiều người còn mặc cảm, khó tìm kiếm việc làm. Sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương và mọi người xung quanh là động lực để họ có thêm niềm tin vươn lên. 
Hỗ trợ người từng lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng
(BGĐT) - Ngày 29/6, UBND TP Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng công tác tái hoà nhập cộng đồng, kết quả thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án). Tới dự có đại diện một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh và TP.
Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi: Chủ động tiếp cận, động viên kịp thời
(BGĐT) - Nhằm giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), phòng ngừa tội phạm, công tác giáo dục, cảm hóa đối tượng trong diện quản lý tại địa phương thời gian qua luôn được ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện. Bằng biện pháp thiết thực, nhiều người lầm lỡ đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...