Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Sản vật quê hương
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vải sớm Tân Yên vào vụ thu hoạch

Cập nhật: 09:25 ngày 25/05/2018
(BGĐT) - Thời điểm này, người dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang bắt đầu thu hoạch vải sớm. Việc chuẩn bị chu đáo về đường giao thông, điểm cân, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tạo điều kiện cho người dân, thương nhân bán, mua vải thiều thuận lợi.
{keywords}

Vườn vải trồng theo quy trình VietGAP của gia đình anh Ngô Văn Ánh, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa.

Nhộn nhịp đầu vụ

Với diện tích khoảng 1,1 nghìn ha, tập trung tại các xã: Phúc Hòa, Hợp Đức, Tân Chung, Liên Sơn, Cao Thượng... sản lượng vải thiều sớm của huyện Tân Yên năm nay ước đạt hơn 15 nghìn tấn, tăng 2 nghìn tấn so với năm ngoái. Theo chân cán bộ khuyến nông xã, chúng tôi đến Phúc Hòa, địa phương có diện tích vải sớm lớn nhất huyện với gần 6 nghìn ha. Ở đây không khí thu mua bắt đầu nhộn nhịp. Khắp các triền đồi, vải sai trĩu, quả màu xanh ngả dần sang đỏ.

Từ hai hôm nay, tại khu vườn rộng nửa ha của gia đình bà Nguyễn Thị Mai Nhi, thôn Phúc Lễ lúc nào cũng có từ 2-3 nhân công bẻ vải được gia chủ thuê làm từ sáng sớm đến tối. Tiểu thương tấp nập ra vào, trả giá và thu mua. Bà Nhi cho biết: “Năm nào cũng vậy, trước vụ thu hoạch khoảng một tuần, khách khắp nơi về địa phương đặt điểm cân hoặc đến tận vườn đặt hàng. Vụ này, vải sớm cho năng suất cao hơn mọi năm. Năm nay, gia đình ước có khoảng 7 tấn, tăng gần 2 tấn so với vụ trước”. Ông Nguyễn Văn Quang, tiểu thương người Hà Nội đặt điểm cân tại thôn Phúc Lễ đã chuẩn bị hai xe trọng tải 15 tấn/xe thu mua, vận chuyển vào miền Nam tiêu thụ. Ông nhận định, năm nay, mẫu mã trái ngọt này "bắt mắt" hơn, không bị sâu cuống, quả to, mọng; hiện giá vải 15-17 nghìn đồng/kg. 

Tương tự tại xã Hợp Đức, nhiều thương nhân cũng đến đặt điểm cân thu mua. Vườn vải sớm của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Lò Nồi sai trĩu quả. Được biết những năm trước, nhiều người trong thôn phá bỏ vải thiều trồng vú sữa, anh Kiên vẫn giữ lại một phần diện tích, học hỏi và áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP. Vải được cắt tỉa cành, chăm bón hợp lý. Do thực hiện đúng quy trình nên năng suất, chất lượng tốt. Một tuần nữa, hơn 60 cây vải cho thu hoạch, dự kiến đạt 50-60 kg/cây.

{keywords}

Điểm cân vải sớm tại thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa.

Bảo đảm chất lượng

{keywords}

Toàn huyện Tân Yên có hơn 200 ha vải được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tập trung chủ yếu ở xã Phúc Hòa. Huyện chỉ đạo người dân giữ vững diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc VietGAP giúp tăng năng suất, giá trị kinh tế đạt từ 230-250 triệu đồng/ha”.


Ông Hà Văn Tuyển, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện.

Vải sớm Tân Yên bắt đầu vào vụ thu hoạch, dự kiến kéo dài 20 ngày. Điểm mới là hầu hết người dân áp dụng kỹ thuật chăm sóc VietGAP. Chất lượng quả vải nâng lên, không bị sâu đục cuống, quả gây hại như những vụ trước. Ví như vườn vải rộng hơn 1 ha của gia đình anh Ngô Văn Ánh, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa, nhờ áp dụng đúng quy trình VietGAP, cành tăm được cắt tỉa, vải sai không sâu bệnh. Vườn vải đã được thương nhân đặt mua với giá bán cao hơn ngoài thị trường từ 5-7 nghìn đồng/kg, sản lượng ước đạt 12 tấn.

Ông Hà Văn Tuyển, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Dự báo giá vải sẽ đạt 20 nghìn đồng/kg. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 6 nghìn tấn, còn lại bán trong nước". Hiện xã Phúc Hòa có khoảng 60 điểm cân, trong đó 15 điểm là mối hàng xuất khẩu, thu mua 10-15 tấn/ngày/điểm. Vừa qua, Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa đã ký kết với Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn) thu mua gần 200 tấn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ, UBND huyện, các xã tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chỉ đạo cán bộ khuyến nông các địa phương hướng dẫn người dân chăm sóc, thu hoạch vải bảo đảm chất lượng.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...