Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Sản vật quê hương
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tân Yên ứng dụng công nghệ tiên tiến cho cây ăn quả

Cập nhật: 10:01 ngày 24/01/2019
(BGĐT)- Sau 2 năm triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) sản xuất nhãn chín muộn PHM99-1.1, bưởi đỏ Hòa Bình và ổi OĐL1“, nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã tiếp nhận quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng giống cây ăn quả.

Tạo đột phá

Huyện Tân Yên có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả tập trung. Tuy nhiên, các giống cây trồng mới không nhiều, năng suất chất lượng thấp. Phần lớn người dân tự nhân giống bằng cách giâm, chiết cành hoặc gieo hạt, có tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc; công nghệ trồng, chăm sóc còn hạn chế... Trước thực tế đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất nhãn chín muộn PHM99-1.1, bưởi đỏ Hòa Bình và ổi OĐL1” đã được triển khai trên địa bàn huyện. “Dự án tạo cơ hội để nông dân tiếp nhận và ứng dụng KHKT, phát triển các giống cây ăn quả mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường”, bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Chủ nhiệm dự án chia sẻ.

{keywords}

Cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa (Tân Yên - phải) trao đổi với nông dân về kỹ thuật chăm sóc ổi.

Theo đó, ba giống cây ăn quả được ứng dụng gồm: nhãn chín muộn PHM99-1.1, bưởi đỏ Hòa Bình, ổi OĐL1 (ổi Đài Loan). Đây là những giống tuyển chọn, năng suất cao hơn so với các giống đối chứng 15-30%, chất lượng tốt.

Các phần việc đã được triển khai ở 11 xã trong vùng dự án như: Cải tạo hệ thống nhà lưới phục vụ sản xuất cây giống; hoàn thiện hệ thống tưới, tiêu; xây dựng mô hình nhân giống, tổ chức sản xuất... Tổng diện tích sản xuất trong dự án là 90 ha, trong đó giống nhãn chín muộn PHM99-1.1 trồng mới 40 ha, 10 ha ghép cải tạo thay thế giống cũ; bưởi đỏ Hòa Bình 30 ha, ổi Đài Loan 10 ha. Các vườn sản xuất được ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Việc trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản sau thu hoạch do các cán bộ của đơn vị chủ trì tiến hành theo quy trình dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia chuyển giao công nghệ. Theo dự án, có 11 quy trình công nghệ được chuyển giao và hỗ trợ ứng dụng cho người dân tại các xã trong vùng dự án như kỹ thuật nhân giống; ghép, trồng và thâm canh, rải vụ thu hoạch...

Kết quả khả quan

Cũng như nhiều hộ nông dân ở huyện Tân Yên, trước kia, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Hòa Sơn, xã Cao Thượng trồng giống ổi lai; cây thường bị sâu ăn lá, nhiễm nấm. Sau một năm trồng thử nghiệm hơn 100 cây ổi OĐL1 và áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới, chất lượng nâng lên rõ rệt. Mới đây, vườn ổi của gia đình cho thu hoạch vụ đầu tiên. “Giống ổi này quả đều, mẫu mã đẹp, ít sâu bệnh; cùi giòn, ngọt hơn; không bị nhão, chua so với giống cũ”, ông Thanh nói.

Dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số do Bộ KH&CN quản lý, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên chủ trì. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 12 tỷ đồng từ nhiều nguồn; thời gian từ tháng 1 năm 2017, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ kết thúc.

Tại xã Quế Nham, khoảng 2 nghìn cây bưởi đỏ Hòa Bình được trồng trên diện tích 4 ha. Theo một số chủ hộ, trước khi tham gia dự án, giống được trồng ở địa phương chủ yếu là bưởi Diễn và da xanh, thường bị nấm, tỷ lệ sống chỉ đạt 80%. “Giống bưởi đỏ dù chưa ra quả nhưng cây sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh, tỷ lệ sống đạt gần 100%, bà con phấn khởi. Khi cây từ 5 -7 tuổi, dự kiến năng suất sẽ đạt mức 50-80kg/cây tùy loại”, chị Nguyễn Thị Luyến, cán bộ khuyến nông xã chia sẻ.

Khảo sát ở những xã trồng mới giống nhãn PHM99-1.1, cây phát triển tốt; tỷ lệ sống đạt hơn 95%. Những cây trồng từ 1 năm tuổi cho năng suất 5kg/cây, 2 năm tuổi dự kiến đạt 25kg/cây. Dự báo cuối năm 2019, khi dự án kết thúc, lượng trái cây cho thu khoảng 910 tấn (nhãn 360 tấn, ổi 550 tấn). Ngoài ra, dự án còn cung cấp 15 vạn cây giống của 3 loại trên đáp ứng nhu cầu sản xuất của địa phương.

Được biết, sau khi dự án kết thúc, đơn vị chủ trì phối hợp với cơ quan chuyển giao để tiếp nhận KH&CN. Toàn bộ diện tích sản xuất bàn giao cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện để tiếp tục quản lý, khai thác cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Ông Lương Vũ Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN) cho biết: Trong quá trình thực hiện, đơn vị quản lý và Sở KH&CN thường xuyên cử cán bộ theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ dự án. Đến nay, cơ bản nội dung cơ quan chủ trì đều thực hiện tốt, bảo đảm mục tiêu đề ra.

Tăng giá trị cho cây ăn quả có múi: Đột phá từ sản xuất sạch
(BGĐT)- Cùng với sản xuất vải thiều, người dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) còn chú trọng đầu tư cho cây ăn quả có múi, nâng cao hiệu quả kinh tế.
 
Làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả
(BGĐT)-Ở thôn Tân Ninh, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), anh Nguyễn Hoàng Anh (SN 1967) là tấm gương điển hình phát triển kinh tế. Mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp của anh mỗi năm đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
 
Trồng mới gần 40 ha cây ăn quả các loại
(BGĐT) - Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên (Bắc Giang), từ đầu năm đến nay, các xã trong huyện trồng mới gần 40 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn lên hơn 3 nghìn ha. 
 
Phấn đấu đạt 280 ha diện tích cây ăn quả có múi
(BGĐT) -UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
 

Công Doanh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...