Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sức sống phong trào Trần Quốc Toản

Cập nhật: 09:26 ngày 22/07/2017
(BGĐT) - Phong trào Trần Quốc Toản do Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh phát động thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ từ năm 1948. Tại xã Hợp Đức, huyện Tân Yên (Bắc Giang), cách đây mấy mươi năm, phong trào đã ghi dấu ấn mạnh mẽ góp phần động viên gia đình thương binh, liệt sĩ xoa dịu nỗi đau, mất mát hy sinh. Nay sức sống của phong trào ấy vẫn được duy trì ở nhiều xã của huyện.
{keywords}

Ông Nguyễn Tân Lộc, nguyên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hợp Đức, nguyên Bí thư Huyện đoàn Tân Yên kể về phong trào Trần Quốc Toản năm xưa với cán bộ Huyện đoàn Tân Yên.

Nhớ "cô Tấm" thời chiến

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ: “Qua năm mới, Bác đề nghị các cháu làm một việc là các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản để đi đánh giặc và lập được nhiều chiến công nhưng mà cốt để tham gia kháng chiến bằng cách giúp đỡ đồng bào”, năm 1970, thầy giáo Nguyễn Tân Lộc, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hợp Đức triển khai phong trào “Cô Tấm vào hội” tại địa phương. Ông bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm ấy, các đội viên khăn quàng đỏ hăng hái giúp đỡ gia đình có người tham gia kháng chiến, góp phần đưa phong trào Trần Quốc Toản lan rộng đến từng thôn, xóm. Tấm gương tiêu biểu của nhiều học sinh như: Nguyễn Thị Nhâm, Hoàng Thị Biện tát nước vào ruộng lúa giúp mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Xuyền, thôn Tiến Sơn tạo động lực cho lớp lớp thiếu nhi noi theo”. Thời điểm đó, thầy Lộc đề xuất mỗi thôn, xóm thành lập một HTX Măng Non tập hợp từ 3 đến 7 thiếu nhi.

Với khẩu hiệu “Tháng thăm một lần, tuần làm một việc”, cứ chiều tan học, các nhóm chia nhau ra phụ giúp gia đình thương binh, liệt sĩ, hộ neo đơn dọn dẹp nhà cửa, gánh nước, kiếm củi, nấu cơm, đón em ở nhà trẻ. Thậm chí, những việc lớn hơn như: Xay lúa, giã gạo, tát nước, gặt lúa, đập lúa, vận chuyển gạch ngói... các em cũng hăng hái tham gia. Thấy sân bẩn thì quét sạch sẽ, gọn gàng, chum vại thiếu nước thì gánh đầy, nhà thiếu củi thì các em đi kiếm củi kín đáo cất vào bếp, thấy ruộng cạn các em liền vác gầu đi tát. Khi ấy, các mẹ, các chị ví đội viên măng non giống như “cô Tấm” bước ra từ cổ tích. Những việc làm nhỏ bé ấy phần nào động viên các chiến sĩ nơi tiền tuyến yên tâm đánh giặc cứu nước, làm ấm lòng những người mẹ, người vợ ở hậu phương. Hành động ý nghĩa của thế hệ thiếu nhi Hợp Đức khi ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Xuân Giao viết nên ca khúc "Cô Tấm nhỏ", có đoạn: "Yêu những cô Tấm nhỏ giỏi giang và dịu hiền. Mặc dù tuổi còn bé mà đã sớm đảm đang. Đến nhà thương binh chăn lợn gà, quét dọn. Đỡ đần mẹ già cho anh chiến đấu ngoài xa".

{keywords}

Cô và trò Trường Tiểu học Ngọc Thiện 1 (Tân Yên) thăm, động viên mẹ liệt sĩ Phạm Thị Văn tại thôn Bỉ.

Giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn

Đến nay, phong trào Trần Quốc Toản vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp các xã, thị trấn của huyện Tân Yên. Nhiều đơn vị như: Trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng, Quế Nham, Cao Xá, Hợp Đức, Ngọc Thiện 1... đã triển khai có hiệu quả. Điển hình, từ năm học 2011-2012, Trường Tiểu học Ngọc Thiện 1 tổ chức từng nhóm đến động viên, giúp các gia đình có công với cách mạng dọn dẹp nhà cửa, thu hoạch nông sản. Vào dịp lễ, Tết, cô và trò cùng đến thăm hỏi và nghe những câu chuyện, kỷ niệm khi tham gia cuộc chiến của cựu chiến binh. Từ năm 2012 đến nay, cô và trò Trường Tiểu học Ngọc Thiện 1 đã nhận giúp đỡ, chăm sóc hơn 70 gia đình có công với cách mạng, mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, thương, bệnh binh.

5 năm qua, toàn huyện Tân Yên tổ chức được 740 đợt thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ hơn 4,5 nghìn ngày công lao động giúp đỡ hơn 2,1 nghìn lượt Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ. Dịp lễ, Tết hằng năm, Liên đội các trường: Tiểu học Ngọc Thiện 1, Quế Nham, Việt Lập, thị trấn Cao Thượng và THCS Nguyên Hồng... tổ chức tặng áo lụa, chăn ấm cho thân nhân liệt sĩ.

Cận kề Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, mẹ Phạm Thị Văn (SN 1921), thôn Bỉ, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) lại không nguôi nỗi nhớ các con Phạm Văn Long và Phạm Văn Hải. Hai anh lần lượt hy sinh khi tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Mẹ ở một mình nên căn nhà mới xây trống trải hơn. Cuối tuần, những đội viên khăn quàng đỏ lớp 5A, Trường Tiểu học Ngọc Thiện 1 thay nhau giúp đỡ mẹ cơm nước, quét dọn nhà cửa. Tiếng cười nói của các em rộn ràng cả góc nhà khiến mẹ Văn vui hơn. Mẹ Văn nói: “Mùa đông năm ngoái, học sinh Trường Tiểu học Ngọc Thiện 1 tặng mẹ chiếc chăn, mẹ vui và xúc động lắm. Mẹ vẫn thường gọi đó là chiếc chăn ấm áp tình người”. Không riêng mẹ Văn, nhiều người khác như mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Nhỡ, thôn Đồi Giêng; Nguyễn Thị Nhớn Bé, thôn Tam Bình... cùng xã cũng được các "chiến sĩ" Trần Quốc Toản hỗ trợ công việc nhà hay thu hoạch hoa màu.

Những hoạt động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn này không chỉ giúp các em hiểu sâu sắc đạo lý uống nước, nhớ nguồn mà còn bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Cô Dương Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường giao cho 26 lớp nhận chăm sóc, giúp đỡ gia đình người có công với cách mạng. Mỗi lớp lại có cách thức tổ chức khác nhau. "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình", nhóm lớp 1, 2 thì quét sân, nhà; các em lớn hơn giúp bẻ ngô, nhổ cỏ rau, xới đất... Vào những ngày lễ lớn, trường gửi thư tới từng gia đình vận động phụ huynh cùng chia sẻ dành tặng chăn ấm, quạt mát... cho gia đình thương binh, liệt sĩ.

Để phong trào đi sâu vào nhận thức thanh, thiếu nhi, Huyện đoàn, Hội đồng Đội Tân Yên tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng; đa dạng hoá các hoạt động, phong trào với từng đối tượng chính sách cụ thể.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...