Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng tầm thương hiệu vải sớm Tân Yên

Cập nhật: 07:00 ngày 21/05/2018
(BGĐT) - Năm 2012, huyện Tân Yên (Bắc Giang) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể cho vùng vải sớm Phúc Hòa. Để giữ vững và nâng tầm thương hiệu, nhiều năm qua, địa phương luôn quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các nhà vườn thực hiện nghiêm ngặt quy trình VietGAP trong chăm sóc và gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm này.
{keywords}

Vải thiều sớm Phúc Hòa được nhiều thương nhân trong và ngoài tỉnh thu mua khi vào vụ.

Huyện Tân Yên hiện có hơn 1,1 nghìn ha vải sớm, trong đó riêng xã Phúc Hòa có gần 600 ha, còn lại ở xã Liên Sơn, Hợp Đức, Việt Lập, Tân Trung, Cao Thượng. Nhiều năm qua, vải sớm ở Tân Yên đã khẳng định được thương hiệu, tiêu thụ thuận lợi ở nhiều tỉnh, TP trong và ngoài nước, mỗi năm mang lại doanh thu cho người dân từ 90-120 tỷ đồng. Bí quyết làm nên sự nổi tiếng của vải sớm Tân Yên không chỉ do khí hậu, thổ nhưỡng mà còn do thời gian qua, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, quản lý nhãn hiệu, tập trung hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật để duy trì, nâng cao chất lượng vải.

Ông Dương Ngô Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, để nâng tầm thương hiệu vải sớm Tân Yên, hằng năm, trước mỗi vụ sản xuất, huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông tập huấn cho các nhà vườn không chỉ ở Phúc Hòa mà còn ở tất cả các xã có diện tích vải sớm như: Cao Thượng, Liên Chung, Hợp Đức…để áp dụng đồng loạt. Theo đó, các hộ hướng dẫn sử dụng sổ nhật ký ghi chép quá trình chăm sóc, tưới nước sạch cho cây, phun thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”. Năm nay, huyện Tân Yên còn giao cho các xã có diện tích vải sớm lớn như: Phúc Hòa, Tân Trung, Hợp Đức, Cao Thượng, Liên Sơn hướng dẫn các hộ dân chăm sóc vải theo quy trình VietGAP trên phạm vi toàn xã. Huyện coi đây là tiêu chí đánh giá xếp loại người đứng đầu.

Để quản lý tốt nhãn hiệu hàng hóa này, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các hộ nhằm kịp thời hướng dẫn điều chỉnh phương pháp chăm sóc phù hợp. Ngoài duy trì cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 108 ha vải thiều từ nhiều năm trước ở các thôn Vối, Lân Thịnh và Thái Hòa, xã Phúc Hòa, năm nay, huyện tiếp tục dành gần 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ xã Phúc Hòa cấp giấy chứng nhận VietGAP thêm cho 100 ha vải ở thôn Cạng, Đìa, Phúc Lễ. 

Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa cho biết, để giữ uy tín thương hiệu, tham gia HTX, các thành viên đều ký cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP. Ngoài tự kiểm tra lẫn nhau, định kỳ 5-7 ngày, Ban Giám đốc HTX giám sát từng khu vườn. Nơi nào bón phân, phun thuốc chưa đúng được nhắc nhở, điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, HTX luôn chú trọng hướng dẫn các thành viên phòng trị kịp thời sâu đục cuống quả. Đây là khâu khó khăn nhất vì khi vải bị sâu đục cuống sẽ lây lan rất nhanh, làm giảm đáng kể năng suất, chất lượng vải, khó tiêu thụ. Năm 2018, thời tiết thuận lợi, các nhà vườn áp dụng đúng quy trình chăm sóc nên vải thiều sớm ở Tân Yên dự báo được mùa, ước đạt 15 nghìn tấn, tăng hơn năm ngoái 2 nghìn tấn. Khoảng nửa tháng nữa, cây trồng này bắt đầu cho thu hoạch.

Để nâng giá trị sản phẩm, năm nay, huyện còn dành kinh phí hỗ trợ HTX Sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa in tem nhãn, quản lý chặt chẽ và chỉ gắn lên bao gói đối với sản phẩm bảo đảm chất lượng trước khi xuất bán. Hoạt động này nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận diện, mua sản phẩm đúng địa chỉ, đồng thời truy xuất nguồn gốc nông sản.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...