Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bầu: Một đời lặng lẽ hy sinh

Cập nhật: 08:56 ngày 23/07/2019
(BGĐT) - Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bầu (SN 1928) ở thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) có 7 con trai thì 2 người anh dũng ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc. Một đời mẹ chịu thương, chịu khó, hy sinh cái riêng vì Tổ quốc. 

Hai vợ chồng là dân công hỏa tuyến

Ngôi nhà mẹ Nguyễn Thị Bầu đang sinh sống nằm gần sông Thương. Thấy khách đến nhà, mẹ ra tận cổng đón. Suốt câu chuyện, mẹ không nói chuyện buồn đau, không than vãn về những mất mát của mình nhưng ánh mắt nặng trĩu nỗi buồn đã nói lên tất cả. 

{keywords}

Mẹ Nguyễn Thị Bầu vui hưởng tuổi già cùng con cháu.

Mẹ kể, trong kháng chiến chống Pháp, chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Chất xung phong đi dân công hỏa tuyến 4 tháng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Do yêu cầu của mặt trận, việc vận chuyển đạn dược và lương thực cho chiến trường cần thiết hơn bao giờ hết. Vì thế, cuối tháng 4-1954, mẹ đã gửi cậu con thơ cho ông bà chăm sóc để gia nhập đội dân công, khi ấy mẹ 26 tuổi. Ở nơi cái chết cận kề nhưng chưa một lần mẹ sợ hãi, nao núng.

“Chúng tôi tải đạn, lương thực ra mặt trận, mỗi người vận chuyển hàng chục kg, khi bằng xe thồ, lúc gánh trên vai. Địch bắn phá liên tục nên di chuyển vào ban đêm vẫn phải ngụy trang bằng cây rừng, người sau theo người đi trước. Trong gian khổ, chúng tôi như quên rằng mình là phái yếu, chẳng ngại lấp hố bom, sửa đường, cầu, phà để bảo đảm giao thông thông suốt. Tuy chỉ có nửa tháng phục vụ kháng chiến, tôi cũng rất vui vì đóng góp của dân công hỏa tuyến đã cùng bộ đội làm nên chiến thắng chung của dân tộc”, mẹ Bầu nhớ lại.

Sau giải phóng Điện Biên Phủ, mẹ Bầu về quê nhà và tham gia phong trào của hội phụ nữ. Mẹ cùng cán bộ hội tích cực tuyên truyền, động viên chị em hăng hái sản xuất theo hình thức hợp tác xã, tập du kích để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ làng quê khi có địch đến xâm lấn.

Hai con trai nằm lại chiến trường

Ngắt mạch câu chuyện, mẹ Bầu ngước nhìn lên những tấm Bằng khen, Huân chương, Huy chương chiến công của các con, bao nhiêu ký ức ùa về. Mẹ sinh được 7 con trai thì 2 người hy sinh nơi bom đạn. Đó là các con: Nguyễn Văn Nghìn (SN 1949), Nguyễn Trọng Tải (SN 1955) là liệt sĩ chống Mỹ.

Thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nhiều năm nay, Ban CHQS huyện Tân Yên và Sở Giao thông - Vận tải nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bầu.

Khi hai con Nghìn và Tải xung phong ra trận, mẹ lo lắng nhưng cũng mừng vì các con đã lớn khôn, biết yêu Tổ quốc, can đảm, ngoan cường. Cho tới lúc lần lượt nhận giấy báo tử của các con, cả bầu trời như sập xuống đầu mẹ. 

Dù vậy, khi nói về các con, ánh mắt mẹ ánh lên niềm tự hào. Mẹ kể rằng con trai cả Nguyễn Văn Nghìn nhập ngũ năm 1967. Trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, nghỉ chân ở nơi nào là con lại tranh thủ viết thư gửi về quê nhà. Lá thư được gửi từ Nghệ An ra Bắc là lá thư cuối cùng. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông Nghìn trúng đạn của địch và hy sinh. 

Cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, miền Nam rất cần sự trợ giúp từ hậu phương lớn miền Bắc. Năm 1972, anh Nguyễn Trọng Tải theo chân anh nhập ngũ, trở thành lính trinh sát luồn sâu, đánh hiểm của Quân khu 5.

Ở quê nhà, mẹ Bầu thầm động viên và tin tưởng con trai sẽ vững tâm, quyết chiến, quyết thắng. Hay tin nước láng giềng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, mẹ Bầu thấp thỏm không biết con trai mình trong đoàn quân giúp nước bạn còn hay mất. Và rồi đầu năm 1979, mẹ bật khóc khi cầm trên tay giấy báo tử của người con thứ hai. 

Mấy chục năm trôi qua, ký ức của mẹ có phần mai một, sức khỏe yếu đi phần nào nhưng nét tảo tần, lam lũ, chất phác vẫn còn nguyên. Mẹ luôn dặn dò con cháu phát huy truyền thống gia đình, lao động chân chính. 

Hiện giờ các con của mẹ đều có cuộc sống ổn định. Nhiều cháu nội, cháu ngoại tham gia quân ngũ, hoàn thành tốt nghĩa vụ thiêng liêng với đất nước. Gia đình mẹ cũng là điển hình của thôn, xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thành phố Bắc Giang truy tặng danh hiệu nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
 (BGĐT)- Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP Bắc Giang (Bắc Giang) vừa long trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đối với mẹ Nguyễn Thị Bình, tổ dân phố số 6, phường Ngô Quyền.
Trưng bày chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Nam bộ khởi nghĩa 23-11 (1940-2018), 13 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11 (2005-2018), ngày 1-11, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức lễ khánh thành phòng trưng bày “Chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng miền Nam và TP Hồ Chí Minh” lần đầu tiên sử dụng công nghệ bảo tàng thông minh; khai trương phòng trưng bày chuyên đề “Bộ sưu tập chóe của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ”.
Trái tim người mẹ
(BGĐT) - 1. Mới đó mà con trai đã học lớp 5.
Hai người mẹ
(BGĐT) - Về đến nhà, khác với mọi ngày, hôm nay Toàn buồn xo, áo quần xộc xệch, mồ hôi ướt đẫm lưng. Cậu cúi đầu, hai chân nặng nề bước đi như vô thức. Đôi mắt nặng trĩu tỏ rõ sự mệt mỏi. 

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...