(BGĐT) - Với lợi thế có nhiều nông sản đặc trưng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Số hóa mã vùng, đưa nông sản lên sàn
Huyện Tân Yên có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức, ổi, sâm núi Dành và nhiều loại rau màu thực phẩm. Khai thác tiềm năng, lợi thế này, thời gian qua huyện chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc nông sản; hỗ trợ xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng.
![]() |
Bưởi của gia đình ông Ngô Văn Đại ở thôn Cạn (xã Phúc Hoà) được đưa lên sàn giao dịch điện tử từ tháng 10/2022. |
Khi được cấp mã vùng trồng, người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận thông tin về sản phẩm dễ dàng, thuận lợi cho xuất khẩu và lên sàn thương mại điện tử.
Với cách làm này, vải sớm Tân Yên đã rộng đường xuất ngoại. Năm 2022, huyện xuất khẩu hơn 4,2 nghìn tấn vải (chiếm 25% tổng sản lượng). Giá bán vải sớm ở các mã vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ 30 - 35 nghìn đồng/kg, cao hơn bán tại thị trường nội địa trung bình 10 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, việc quảng bá, đưa quả vải bán trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo và các sàn giao dịch điện tử cũng đạt kết quả tích cực với 900 tấn, nhiều nhất từ trước đến nay. Ông Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức cho biết: “Xã có 70 ha vải sớm được cấp mã vùng. Thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Sắp tới địa phương sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng mã vùng”.
Tại xã Phúc Hòa, với nhiều sản phẩm như: Vải sớm, ổi, bưởi, mật ong hoa vải, rượu, Ban chỉ đạo chuyển đổi số xã đã vận động các hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh trên địa bàn tích cực tham gia sàn giao dịch điện tử. Hằng năm ngoài phối hợp với UBND huyện tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải sớm, xã còn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như: Alibaba, Sendo.vn, Voso.vn; quảng bá, tiêu thụ vải thiều, cam, bưởi trên mạng xã hội Facebook, zalo...
Mới đây, UBND xã phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng khai trương sàn giao dịch điện tử xã Phúc Hòa tại địa chỉ: https://phuchoamart.vn. Đã có 25 hộ sản xuất đăng ký tham gia. Tại đây được thiết kế với nhiều tiện ích như: Gian hàng; danh mục sản phẩm đặc trưng; giỏ hàng...
Được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, ông Ngô Văn Đại (SN 1966) ở thôn Cạn (xã Phúc Hoà) đã biết cách chụp hình, giới thiệu sản phẩm lên sàn. Ông Đại cho biết: “Gia đình tôi có 100 cây bưởi, mỗi năm xuất bán khoảng 2 đến 3 vạn quả. Hiện tại cây bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Từ khi đăng tải, quảng bá sản phẩm bưởi lên sàn thương mại, tôi đã nhận được những đơn hàng đầu tiên của khách hàng ở hai tỉnh Phú Thọ, Hà Nam. Đây là kênh bán hàng mới, kết nối với người mua ở khắp nơi trên cả nước, không giới hạn về khoảng cách địa lý như buôn bán truyền thống”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời hỗ trợ
Từ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. UBND huyện hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp mở rộng quy mô, nâng cấp mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm, gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Quảng bá hàng hóa trên phương tiện thông tin đại chúng; thành lập trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện. Nhờ vậy nhiều nông sản đặc trưng như: Vải sớm Phúc Hòa, ổi lê, măng lục trúc, sâm Nam núi Dành, vú sữa Hợp Đức... đã có mặt tại các siêu thị trong nước và xuất khẩu, được khách hàng tin dùng.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viettel Bắc Giang đã tạo mã QR truy xuất nguồn gốc cho 3 hợp tác xã là: Núi ông Vệ; Sản xuất và tiêu thụ ổi lê Tân Yên; Mật ong Phồn Nhi. |
Mới đây, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viettel Bắc Giang tạo mã QR truy xuất nguồn gốc cho 3 hợp tác xã là: Núi ông Vệ; Sản xuất và tiêu thụ ổi lê Tân Yên; Mật ong Phồn Nhi.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện rà soát, lập danh sách đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ cấp chứng thư số cho 12 hợp tác xã, phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Những ngày này, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân các xã: Phúc Hòa, Hợp Đức, Quế Nham, Liên Chung đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử.
Ông Trần Đình Long, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ ổi lê Tân Yên cho biết: “Sau khi được huyện hỗ trợ tạo mã QR, chúng tôi tích cực sử dụng nhằm minh bạch thông tin đối với các nhà phân phối và người tiêu dùng. Khi tới kỳ thu hoạch, ổi sẽ được đóng gói bao bì, in tên thương hiệu và dán tem QR Code.
Qua đó giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại, máy tính bảng có kết nối internet. Hiện nay thị trường tiêu thụ của hợp tác xã đã mở rộng ra ngoài tỉnh như: TP Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên...”. Ông Long cũng mong muốn huyện tiếp tục có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với các hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp tiên phong chuyển đổi số.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục rà soát, đề nghị bổ sung mã vùng trồng theo ranh giới để thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Tân Yên.
Chú trọng công tác tuyên truyền, ưu tiên phát huy vai trò nòng cốt của tổ công nghệ số cộng đồng trong hướng dẫn người dân kỹ năng số, đặc biệt là giao dịch thương mại điện tử. Các tổ chức hội: Nông dân, phụ nữ, thanh niên tăng cường tập huấn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; ứng dụng công nghệ số trong khâu quản lý, giám sát, bảo quản sau thu hoạch.
Bài, ảnh: Vi Anh