Tập đoàn SVB Financial Group - công ty mẹ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) - đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Bảo hộ phá sản Mỹ.
Luật phá sản theo Chương 11 là những quy định về việc phá sản cho phép doanh nghiệp ở Mỹ tái cơ cấu các khoản nợ và vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh, tức là doanh nghiệp đó có thể trì hoãn việc trả nợ trong khi thiết kế và thực hiện kế hoạch tái cơ cấu.
 |
Người dân tập trung bên ngoài trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California, Mỹ ngày 13/3/2023. |
Quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản được SVB Financial Group đưa ra trong bối cảnh tập đoàn này trở thành mục tiêu của một vụ kiện tập thể. Bên nguyên đơn cho rằng SVB Financial Group đã không thông báo về những rủi ro mà việc tăng lãi suất sẽ có thể tác động tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.
Theo SVB Financial Group, tập đoàn này đang có khoảng 2,2 tỷ USD thanh khoản. Hiện SVB Financial Group không còn liên quan tới SVB, sau khi ngân hàng này sụp đổ và theo đó thuộc quyền tiếp quản của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC).
Để bảo vệ tất cả người gửi tiền tại SVB, FDIC đã chuyển tất cả khoản tiền gửi tại SVB sang ngân hàng bắc cầu vừa được thành lập mang tên Silicon Valley Bridge Bank. Silicon Valley Bridge Bank hiện hoạt động dưới quyền tài phán của FDIC và theo đó không nằm trong hồ sơ xin bảo hộ phá sản của tập đoàn SVB Financial Group.
Việc SVB ngừng hoạt động là sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ kể từ năm 2008, sau ngân hàng Washington Mutual.
Các ngân hàng Mỹ đang đứng trước nguy cơ lỗ 620 tỷ USDNgân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ đã khiến các nhà đầu tư cảm thấy hoang mang vì vụ việc này cho thấy một vấn đề lớn hơn trong lĩnh vực ngân hàng: Khoảng cách ngày càng lớn giữa giá trị trái phiếu mà những ngân hàng lớn nắm giữ và giá trị thực sự của chúng trên thị trường.
Theo TTXVN