Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 39 °C / 28 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết tâm tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine

Cập nhật: 13:51 ngày 18/03/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện rõ quyết tâm tiếp tục chiến dịch tại Ukraine và sau khi tái đắc cử, ông được cho là sẽ đẩy mạnh nỗ lực này hơn nữa.

"Chúng ta không thể bị đe dọa bởi bất kỳ ai, dù tham vọng của họ lớn đến đâu, dù cho họ muốn kìm kẹp nhân dân, ý chí và tâm hồn nước Nga đến mức nào", ông Vladimir Putin (71 tuổi), rạng sáng 18/3 phát biểu trước đám đông ủng hộ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với hơn 87% số phiếu, tỷ lệ cao kỷ lục trong lịch sử hiện đại Nga.

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại tổng hành dinh chiến dịch tái tranh cử năm 2024, ở thủ đô Moskva, rạng sáng 18/3. Ảnh: AFP

Với kết quả này, ông Vladimir Putin sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 và trở thành người lãnh đạo Nga trong 6 năm tới với nhiều vấn đề hệ trọng sẽ được xử lý trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, thông điệp chiến thắng của Tổng thống Putin cho thấy chiến sự Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu. "Cục diện chiến trường tiến triển tích cực qua từng ngày. Nga đang tiến quân chậm mà chắc, nhưng ngày nào cũng đạt được bước tiến", ông nói và cho biết tất cả mục tiêu chúng ta đã đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ đạt được.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố cứng rắn này của ông Putin là dấu hiệu cho thấy chiến sự Nga - Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi Moskva đạt được mục tiêu "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" Ukraine, điều mà Kiev kiên quyết bác bỏ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với Nga khi ông Putin còn tại nhiệm.

Subrat Nanda, bình luận viên về quan hệ đối ngoại quốc tế tại Strat News Global cho rằng chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử đã tạo một bước đệm rất quan trọng cho ông Putin, để chứng minh với dư luận trong nước lẫn phương Tây rằng người Nga đang ủng hộ ông đến mức nào trong cuộc chiến với Ukraine.

Trong hai năm qua, cuộc chiến có một số thời điểm đã gây ra nhiều sức ép với ông Putin, đặc biệt là khi nền kinh tế gặp khó khăn vì loạt lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như cuộc nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner. Nhưng khi chiến sự bước vào năm thứ ba, ông Putin đã cho thấy rằng kinh tế Nga vẫn trụ vững và giờ đây không ai có thể thách thức được vị thế của ông.

"Kết quả cuộc bầu cử chứng minh với giới tinh hoa Nga về sự ủng hộ mà dư luận dành cho ông Putin", Nikolay Petrov, chuyên gia tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế (SWP), trụ sở ở Berlin (Đức) nhận định. "Nó cũng giúp củng cố niềm tin rằng ông Putin là người đem lại chiến thắng cho Nga".

Lần đầu tiên Nga tổ chức bầu cử tổng thống tại 4 vùng lãnh thổ sáp nhập của Ukraine, nơi tỷ lệ cử tri đi bầu đều trên 80%. Tỷ lệ đi bỏ phiếu trên toàn nước Nga cũng đạt mức gần 80%, bất chấp loạt cuộc tập kích bằng UAV và chiến dịch tấn công qua biên giới của các lực lượng thân Ukraine trong tuần bầu cử.

Kiev dường như kỳ vọng các cuộc tập kích như vậy sẽ phần nào cản trở người Nga đi bỏ phiếu và làm giảm vị thế của ông Putin. Nhưng điều đó lại càng làm tăng cảm giác bị đe dọa của người dân Nga và thúc đẩy dư luận cũng như giới lãnh đạo nước này có quan điểm cứng rắn hơn với Ukraine, theo giới quan sát.

Ông Putin tuần qua đã nhấn mạnh rằng không quan tâm đến việc "tạm dừng" chiến sự, điều mà ông cho là sẽ tạo điều kiện cho Ukraine tái vũ trang. Nga muốn vạch ra những điều khoản đảm bảo an ninh bằng văn bản để chấm dứt chiến sự và "hiện trạng trên thực địa" được duy trì, coi đây là điều kiện tiên quyết để đàm phán.

Trong thông điệp liên bang tháng trước, ông Putin nhấn mạnh lực lượng Nga đang chiếm thế thượng phong sau khi Ukraine thất bại trong chiến dịch phản công hồi năm ngoái, đồng thời tuyên bố Kiev và phương Tây sớm hay muộn sẽ phải chấp nhận một giải pháp theo các điều kiện của Moskva.

Sau khi giành chiến thắng trong bầu cử, ông Putin còn đi xa hơn khi cho rằng Nga cần thiết lập vùng đệm an ninh ở Ukraine, trong đó có khu vực Kharkov để ngăn cản những vụ tấn công quấy nhiễu qua biên giới. Theo ông, vùng đệm an ninh cần đủ lớn để khí tài phương Tây cung cấp cho Kiev không thể vươn đến biên giới Nga.

Điều này cho thấy "chiến thắng vang dội" trong cuộc bầu cử càng khiến ông Putin tự tin hơn vào nỗ lực theo đuổi mục tiêu ở Ukraine, khi ông vẫn duy trì được sự ủng hộ ở mức cao trong dư luận. "Tôi nghĩ thông điệp chính từ cuộc bầu cử là Tổng thống Putin sẽ đóng vai trò người lãnh đạo quốc gia trong cuộc đấu tranh sinh tồn nhằm duy trì vị thế của Nga trên thế giới và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ", Angela Stent, cố vấn cấp cao tại Viện Hòa bình Mỹ, trụ sở tại Washington bình luận. "Tất cả những tín hiệu Tổng thống Nga đưa ra đều hướng tới một thông điệp rằng ông ấy sẽ tiếp tục chiến dịch tại Ukraine".

Để làm được điều này, Tổng thống Putin phải đối mặt với thách thức trong việc giữ cho nền kinh tế đất nước tiếp tục phát triển giữa bão trừng phạt từ phương Tây. Giới phân tích suy đoán sắp tới, ông có thể sẽ tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo cho người dân Nga tiếp tục có cuộc sống bình thường, đồng thời công bố kế hoạch chi hàng tỷ USD từ nguồn thu dầu mỏ để giải quyết nghèo đói và xây dựng lại phần lớn cơ sở hạ tầng cũ kỹ của đất nước.

Việc duy trì cuộc chiến ở Ukraine cũng là một cách để thúc đẩy nền kinh tế, khi Nga dồn lực đầu tư cho sản xuất vũ khí, mang lại nhiều việc làm và tăng lợi nhuận cho ngành công nghiệp quốc phòng.

Tình hình chiến sự đang nghiêng về phía có lợi cho Nga có thể là động lực để Tổng thống Putin tiếp tục nhấn mạnh rằng cách duy nhất để chấm dứt xung đột là Ukraine phải đầu hàng, Tatiana Stanovaya, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, lưu ý.

Nhưng để tăng cường sức ép buộc Ukraine phải chịu khuất phục, ngoài tiền bạc và vũ khí, Nga sẽ cần thêm rất nhiều nhân lực. Điều này khiến giới phân tích dự đoán rằng ông Putin sẽ sớm ban bố lệnh động viên lực lượng dự bị thứ hai, nhằm huy động thêm quân cho tiền tuyến.

Lần động viên quân đầu tiên được ông ban bố vào tháng 9/2022, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và làn sóng nam giới Nga trốn khỏi đất nước để tránh bị gọi đi nghĩa vụ. Nhưng đợt huy động lần hai có thể giải quyết tình trạng thiếu quân, đồng thời xoa dịu thân nhân của những người lính đã nhập ngũ 18 tháng trước, chuyên gia nhận định.

Đây cũng được cho là hành động cần thiết để Nga mở rộng lợi thế trên chiến trường, trong lúc động lực ủng hộ Ukraine ở phương Tây đang suy giảm và viễn cảnh cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ chấm dứt nguồn viện trợ của Washington tới Kiev.

Nga mùa hè năm ngoái đã nâng độ tuổi nhập ngũ tối đa từ 27 lên 30 tuổi và quy định rằng lính nghĩa vụ có thể ký hợp đồng với quân đội trong một năm với một số điều kiện nhất định. Đây được coi là tiền đề để Nga có thể triển khai lực lượng lính nghĩa vụ đến Ukraine, điều mà Moskva nghiêm cấm từ đầu chiến sự tới nay.

Brian Michael Jenkins, cố vấn cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND, cho rằng những động thái trên cho thấy trong nhiệm kỳ mới của mình, ông Putin nhiều khả năng sẽ củng cố thông điệp "đưa toàn xã hội Nga xung quanh nhu cầu quốc phòng" để giành thắng lợi trong cuộc đối đầu với Ukraine. Điều này cho thấy ông hiểu rõ rằng xung đột sẽ kéo dài và Nga cần huy động mọi nguồn lực. "Trong hai năm qua, chính quyền của ông Putin đã tái cấu trúc để thích ứng với một cuộc chiến dài hơi và điều này sẽ tiếp diễn trong nhiệm kỳ mới của ông", Andrei Kolesnikov, chuyên gia cấp cao tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định.

Ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống Nga
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Vladimir Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay và sẽ lãnh đạo nước Nga nhiệm kỳ 2024 - 2030.
Theo Vnexpress

Chia sẻ:
Chủ đề:

    Ý kiến bạn đọc (0)

    Bình luận của bạn...