Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thế giới năm 2018: Đan xen những mảng sáng-tối

Cập nhật: 17:12 ngày 23/01/2019
(BGĐT) - Năm 2018 với rất nhiều biến động đã khép lại. Bên cạnh mảng sáng tích cực như sự xoay chuyển trên bán đảo Triều Tiên, cuộc nội chiến tại Syria và Yemen le lói hy vọng đi tới hồi kết thì bất ổn, xung đột, thiên tai và thảm họa vẫn gia tăng. Các thách thức toàn cầu trở nên gay gắt hơn, các rủi ro tài chính, chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại, vấn đề người di cư và khủng bố đã tạo ra những mảng tối của bức tranh tổng thể trong năm qua.

Tại châu Á, nếu phải nói về một sự thay đổi ấn tượng của năm 2018 thì không thể không nhắc đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Từ việc liên tục thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và bom hạt nhân, ông Kim Jong-un đã chuyển sang thử nghiệm các biện pháp ngoại giao nhằm chứng tỏ rằng ông là một nhà lãnh đạo "bình thường" như bao nhà lãnh đạo khác trên trường quốc tế.

{keywords}

Quan hệ Mỹ - Trung năm qua chứng kiến những sóng gió.

Sau khi tuyên bố chuyển từ việc cùng phát triển kinh tế và hạt nhân sang chỉ tập trung duy nhất vào phát triển kinh tế trong Đại hội của Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 4-2018, ông Kim Jong-un đã dấn bước vào một môi trường quốc tế hòa bình có lợi cho phát triển kinh tế. Ông đã tham gia một loạt cuộc gặp thượng đỉnh trong năm 2018, bao gồm các cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (3 cuộc), với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3 cuộc) và một cuộc gặp mang tính bước ngoặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un chắc chắn là thành tựu đáng ấn tượng đối với nền ngoại giao Triều Tiên năm 2018. Tuy nhiên, những tiến triển chậm chạp trong việc phi hạt nhân hóa làm dấy lên câu hỏi liệu các biện pháp giảm căng thẳng thông thường có thể tạo lập nền hòa bình lâu dài hay thay vào đó sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự.

Quan hệ Mỹ - Trung năm qua chứng kiến những sóng gió có thể nói là chưa từng thấy trong lịch sử quan hệ hai nước. Về bản chất, những căng thẳng này xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc, khi ông Donald Trump muốn khôi phục vai trò của Washington trên trường quốc tế, trong khi đó Trung Quốc ngày càng mạnh lên, đe dọa vị thế cường quốc số 1 thế giới của Mỹ. Nếu như đầu năm, Mỹ dùng “vũ khí” thuế quan tuyên chiến thương mại với Trung Quốc, kéo theo những đòn “ăn miếng trả miếng” liên tiếp trị giá hàng trăm tỷ USD kéo dài trong nhiều tháng khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng cực độ, thì đến cuối năm, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) tại Canada theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ như “giọt nước tràn ly” đẩy Washington và Bắc Kinh vào một cuộc chiến toàn diện.

Nếu như quan hệ Mỹ- Trung chìm trong căng thẳng thì Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2018, chứng kiến những cuộc đàm phán nhọc nhằn của cuộc chia ly "Brexit" (Anh rời khỏi EU). Cuối cùng, Thủ tướng Anh Therasa May đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với sự ủng hộ của 200 nghị sĩ. Mặc dù vậy, cũng có tới 117 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại bà khiến cho "con đường Brexit" chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều chông gai.

Nước Pháp vốn thanh bình nhưng trong những tháng cuối năm bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu của Chính phủ. Bắt nguồn từ những cuộc biểu tình đơn lẻ, phong trào “Áo vàng” đã nhanh chóng trở thành biểu tình bạo động lan ra nhiều thành phố lớn của Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác như Bỉ, Hà Lan, Italia. Bất ổn kinh tế, xã hội một thời gian dài chưa được giải quyết, ví như ngọn lửa âm ỉ, đã bị "thổi bùng" lên do hiệu ứng từ phong trào “Áo vàng”.

{keywords}

Người biểu tình "Áo vàng" tại Pháp.

Nội bộ EU rối ren, còn quan hệ của các nước thuộc EU với Nga ngày càng xấu đi. Việc Anh, Pháp, Mỹ và nhiều nước phương Tây cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh do Liên Xô sản xuất từ thời chiến tranh Lạnh để đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal như "đổ thêm dầu vào lửa". Căng thẳng dâng cao khi Anh cùng các nước phương Tây trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga và đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất từ sau chiến tranh Lạnh. Đáp lại, Nga cũng trục xuất số lượng nhà ngoại giao tương tự của các nước phương Tây.

Xét trên bình diện toàn thế giới, có thể nói năm qua Trung Đông là khu vực gắn với nhiều bất ổn và căng thẳng bùng nổ nhất. Cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông giữa Palestine và Israel tăng nhiệt khi vấn đề nhạy cảm Jerusalem được khuấy đảo bằng quyết định của Mỹ công nhận đây là thủ đô của Israel khiến cánh cửa hòa đàm Palestine- Israel ngày càng hẹp. Chủ đề hạt nhân Iran tưởng chừng được giải quyết nay lại trở thành nguyên nhân “kích hoạt” gói biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran, kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Điểm sáng tại Trung Đông có lẽ là ở Syria và Yemen. Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 7 năm qua tại Syria đã đi dần tới hồi kết. Với sự trợ giúp tích cực và hiệu quả của Nga, quân đội của Tổng thống Bashar Al Assad đã giành lại quyền kiểm soát gần như toàn bộ đất nước. Việc thành lập Ủy ban hiến pháp Syria đã được nhất trí tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở TP Sochi của Nga hồi tháng 1-2018. Sự ra đời của Ủy ban này được cho là sẽ đóng góp lớn cho tiến trình hòa bình do Liên Hợp quốc bảo trợ, mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tương lai. Việc Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ rút toàn bộ quân khỏi Syria chắc chắn sẽ góp phần đặt dấu chấm hết cuộc xung đột này.

{keywords}

Động đất, sóng thần đã khiến hàng nghìn người Indonesia thiệt mạng trong năm 2018.

Tại châu Mỹ, từ những đoàn lữ hành ở Trung Mỹ liều mạng tiến về phía Bắc cho đến cuộc di dân ồ ạt khỏi Venezuela, khiến 2018 là một năm khủng hoảng di cư trên khắp châu Mỹ và vươn tới ngưỡng cửa của nước Mỹ. Cảnh tượng người tị nạn Syria và châu Phi liều mạng tìm đến các bờ biển châu Âu đã được tái hiện với người dân Trung Mỹ, những người đã phải lặn lội hàng tháng ròng để đến biên giới Mỹ- Mexico, nhiều người còn mang theo trẻ nhỏ hoặc đặt chúng trong những chiếc xe đẩy.

Trong năm 2018, thế giới đã hứng chịu những thảm họa kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Tại châu Á, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với hàng loạt thảm họa bão lũ, động đất, sóng thần với số nạn nhân thiệt mạng lên tới hàng nghìn người và thiệt hại về vật chất vô cùng lớn. Indonesia là một trong những nước hứng chịu thảm họa khủng khiếp nhất tại châu Á trong năm nay. Đặc biệt vào tối 22-12, một trận sóng thần do núi lửa phun trào ở khu vực eo biển Sunda đã cướp đi sinh mạng của khoảng 430 người trên hai đảo Java và Sumatra của Indonesia.

Philippines và Nhật Bản cũng là hai quốc gia châu Á đối mặt với thiên tai trong năm 2018. Hồi tháng 9, siêu bão Mangkhut lớn nhất trong năm đổ bộ vào phía Bắc Philippines khiến khoảng 130 người thiệt mạng, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và gây thiệt hại lớn về tài sản. Nhật Bản cũng trải qua một mùa hè thảm họa khi chỉ trong vài tháng, nước này phải hứng chịu liên tiếp 2 trận động đất lớn và cơn bão mạnh nhất trong vòng 25 năm qua, khiến ít nhất 225 người thiệt mạng.

Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố về Đàm phán thương mại Trung - Mỹ
Sáng 10-1, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra tuyên bố chính thức về Đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng giữa Trung Quốc và Mỹ.
 
Tổng thống Pháp lên án người biểu tình "Áo vàng" tấn công Văn phòng phát ngôn viên chính phủ
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 6-1 đã lên án việc một nhóm người biểu tình "Áo vàng" phá cửa để xông vào Văn phòng của phát ngôn viên chính phủ Pháp, ông Benjamin Griveaux hôm 5-1.
 
Indonesia sơ tán hàng chục nghìn dân do nguy cơ tiếp tục xảy ra sóng thần
Ngày 28-12, giới chức Indonesia đã ban bố lệnh sơ tán quy mô lớn ở các khu dân cư dọc eo biển Sunda sau khi cảnh báo nguy cơ xảy ra một trận sóng thần thứ 2 do tác động từ đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau cuối tuần qua.
 

Thanh Bình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...