Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quan hệ Mỹ - ASEAN bước vào “kỷ nguyên mới”

Cập nhật: 14:44 ngày 20/05/2022
(BGĐT) - Ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Washington đã đánh dấu sự khởi động của một "kỷ nguyên mới" trong mối quan hệ giữa Mỹ và khối 10 quốc gia này. 

Trong "tuyên bố tầm nhìn chung" gồm 28 điểm sau hội nghị kéo dài 2 ngày, hai bên đã đi thêm một bước mang tính biểu tượng, đó là cam kết nâng tầm từ quan hệ đối tác chiến lược lên "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" vào tháng 11 tới. 

Hội nghị cấp cao vừa qua đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN có cuộc họp tại Washington với tư cách là các nhà lãnh đạo của một khối và là hội nghị đầu tiên của họ do một tổng thống Mỹ chủ trì kể từ năm 2016. Chính quyền Biden hy vọng nỗ lực này sẽ cho thấy Mỹ vẫn tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Đặc biệt, Tổng thống Joe Biden làm rõ hơn với các nhà lãnh đạo ASEAN về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầy tham vọng, trong đó trụ cột kinh tế của chiến lược này vốn được biết đến là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Tổng thống Biden một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ với ASEAN trong chiến lược này của Mỹ.

Thực tế quan hệ ASEAN-Mỹ từ lâu đã là mối quan hệ quan trọng. Năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên. Mối quan hệ này hiện nay được xác định là đối tác chiến lược. Sau một thời gian dài chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump "lơ là" ASEAN, dường như chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy và tập trung vào việc tiếp cận Đông Nam Á. 

Việc thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ, giúp Washington thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, khu vực này cũng là nhân tố then chốt trong chuỗi cung ứng của Mỹ và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Đối với ASEAN, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào khu vực này đạt 338 tỷ USD trong những năm gần đây, chiếm hơn 1/3 tổng đầu tư của Mỹ vào toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch cấp cao của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN, thừa nhận: “Các quốc gia ASEAN thực sự quan trọng. Sáu trong số khoảng 20-30 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trên thế giới là các quốc gia thành viên ASEAN”.

Washington lâu nay vẫn muốn đưa ra những khuôn khổ kinh tế riêng biệt cho khu vực châu Á. Thời kỳ chính quyền Barack Obama là chiến lược "xoay trục", thời kỳ chính quyền Donald Trump là chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Và thời kỳ của Tổng thống Biden là IPEF. Chính quyền Mỹ hiện nay muốn IPEF sẽ lấp đầy khoảng trống chiến lược do Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tham gia có ý nghĩa vào việc hoạch định luật lệ kinh tế trong khu vực. 

Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng những nhược điểm giống như những khuôn khổ của chính quyền tiền nhiệm. Đó là những khuôn khổ kinh tế này chỉ tập trung vào những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ mà bỏ qua những vấn đề mang tính cấp bách đối với các nền kinh tế của châu Á. 

Nói cách khác, khuôn khổ kinh tế mới nhất của Washington dành cho khu vực này giống như một chiến lược để đối trọng với Trung Quốc khi mà Bắc Kinh đang tăng cường ngoại giao kinh tế trong khu vực. Trung Quốc gần đây đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản mới của TPP, và Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số, một liên minh giữa New Zealand, Chile và Singapore, vốn được coi là hình mẫu cho các hiệp định thương mại kỹ thuật số trong tương lai. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của mình trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), gồm 15 thành viên, có hiệu lực vào đầu năm nay.

{keywords}

Quang cảnh cuộc thảo luận về hành động khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch và hạ tầng bền vững giữa Mỹ và ASEAN.

Giống như những người tiền nhiệm, IPEF được thúc đẩy bởi nỗi lo sợ về nguy cơ Mỹ sẽ bị thu hẹp tầm ảnh hưởng ở khu vực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc mặc dù Washington không đề cập đến nỗi quan ngại này trong các cuộc thảo luận về IPEF. Washington vẫn xoay xở để định hình chiến lược kinh tế này của mình và coi đây là công cụ để đạt được những mục tiêu an ninh trong khu vực. Mặc dù các nước ASEAN không hoàn toàn hài lòng trước những hành động của Trung Quốc, nhưng không nước nào chia sẻ mong muốn của Washington trong nỗ lực hủy hoại nền kinh tế của Bắc Kinh.

Thị trường khổng lồ của Trung Quốc được ví là động cơ thúc đẩy toàn bộ hoạt động kinh tế của châu Á và không một nền kinh tế Đông Nam Á nào có thể tiếp tục tăng trưởng lâu dài mà không phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Trong đại dịch Covid-19, thương mại của Trung Quốc với ASEAN vẫn có xu hướng tăng trưởng. Năm 2021, thương mại hàng hóa của Trung Quốc với ASEAN ghi nhận mức tăng 28,1% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 26,1% và nhập khẩu tăng 30,8% so với năm 2020.

ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 2 năm liên tiếp, phản ánh khả năng phục hồi và tiềm năng hợp tác to lớn của Trung Quốc với ASEAN. Ngoài ra, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ khó có thể chấp nhận cam kết với Mỹ về những quy tắc khắt khe về tiêu chuẩn lao động hoặc về môi trường nếu Trung Quốc cũng không tuân thủ những quy tắc này. Vì nếu làm như vậy sẽ chẳng khác nào việc các nền kinh tế Đông Nam Á nhượng lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty Trung Quốc.

Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng vừa qua, các nước ASEAN đều chia sẻ nhiều lo ngại với Mỹ về sự quyết đoán của Trung Quốc, bao gồm cả việc nước này tuyên bố chủ quyền đối với những vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, nơi một số nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo. Tuy nhiên, các nước ASEAN vẫn thận trọng trong việc nghiêng nhiều hơn về Washington do mối quan hệ kinh tế chủ yếu của họ với Trung Quốc và các ưu đãi kinh tế hạn chế của Mỹ.

Việc thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ, giúp Washington thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, khu vực này cũng là nhân tố then chốt trong chuỗi cung ứng của Mỹ và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ.

Các nhà ngoại giao cho biết chỉ có hai quốc gia ASEAN là Singapore và Philippines dự kiến sẽ nằm trong nhóm ban đầu đăng ký đàm phán tham gia IPEF. Một số quốc gia Đông Nam Á khác đã thể hiện thái độ miễn cưỡng quan tâm đến khuôn khổ này theo phép lịch sự. Hiện tại, các ứng cử viên hàng đầu để được đưa vào IPEF là Australia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Singapore (trong đó, chỉ Indonesia và Hàn Quốc không phải là quốc gia thành viên CPTPP hiện tại, mặc dù Hàn Quốc đang tìm cách gia nhập như vậy). Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã được đề cập đến nhưng việc họ tham gia đàm phán IPEF không rõ ràng hơn - trong khi Việt Nam và Malaysia đều là thành viên CPTPP, có vẻ như Mỹ sẽ cố gắng đạt được những mục tiêu cao hơn nữa với IPEF. Nhiều chuyên gia cho rằng ASEAN sẽ dễ dàng chấp nhận IPEF hơn nếu khuôn khổ này thực sự cởi mở và bao trùm, nơi mà tất cả các quốc gia thành viên đều tham gia và không loại trừ hẳn sự tham gia của Trung Quốc.

Dù sự tiếp nhận của khu vực ASEAN đối với sáng kiến IPEF vẫn chưa mặn mà, nhưng việc hai bên cam kết nâng tầm hợp tác lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 11/2022 vẫn có thể coi là một bước tiến mới trong quan hệ giữa Mỹ và ASEAN, mở ra "kỷ nguyên mới" giữa Mỹ và khu vực Đông Nam Á. Bước đi mang tính biểu tượng này vô cùng quan trọng vì ASEAN đã có quan hệ đối tác ở cấp độ này với cả Trung Quốc và Australia. Mỹ có vị thế thuận lợi để nằm trong bộ ba này và chắc chắn được hầu hết các quốc gia thành viên hoan nghênh khi họ tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ với các cường quốc lớn.

Thanh Bình

ASEAN nhất trí thành lập trung tâm ứng phó khẩn cấp về y tế công cộng
Các bộ trưởng y tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED), nỗ lực hợp tác nhằm ứng phó với các sự kiện bất thường và đại dịch trong tương lai.
Toàn văn tuyên bố chung Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ
Trong hai ngày 12-13/5, tại Washington, D.C, Hoa Kỳ,  Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung, Báo Bắc Giang xin giới thiệu toàn văn văn kiện quan trọng này.
ASEAN và Hoa Kỳ khẳng định phối hợp chặt chẽ, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thách thức mới nảy sinh, ASEAN và Hoa Kỳ khẳng định phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ cam kết viện trợ 150 triệu USD cho các nước ASEAN
Trong bữa tối ngày 12/5 trước khi khai mạc Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Washington vào ngày sau đó, Tổng thống Joe Biden đã cam kết viện trợ 150 triệu USD hỗ trợ ASEAN củng cố hệ thống cơ sơ hạ tầng, năng lực an ninh và ứng phó với đại dịch Covid-19.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...