Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Hồ sơ - Tư liệu
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Dư chấn” từ thung lũng Điện Biên

Cập nhật: 08:48 ngày 06/05/2019
(BGĐT) - Tháng 5-1964, khi người Mỹ chuẩn bị đưa quân vào miền Nam Việt Nam, tờ Thời báo New York Mỹ (NYT) đã đăng bài viết "Dienbienphu: Battle to Remember" (Điện Biên Phủ: Trận chiến nhớ đời) cảnh báo quân Mỹ nên tránh xa vết xe đổ của người Pháp, nhưng do bỏ ngoài tai, 11 năm sau, dự báo của NYT đã trở thành hiện thực.

Thất bại của người Pháp, bài học cho người Mỹ

Bài báo của NYT khái quát trận chiến Điện Biên Phủ kinh hoàng. Theo đó, vào ngày 7-5-1954, pháo đài cuối cùng tại thung lũng rừng nhiệt đới mang tên Điện Biên Phủ đã thất thủ hoàn toàn. 

{keywords}

Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Sự kiện này đánh dấu cái kết về ảnh hưởng quân sự của Pháp tại châu Á, giống như những cuộc chiến nổi tiếng từng được lịch sử nhắc đến như trận Port Arthur, Corregidor và trận chiến Singapore. 

Người châu Á, sau nhiều thế kỷ bị khuất phục đã đánh bại đội quân da trắng hùng mạnh. Và thời điểm này (5-1964), khi chuẩn bị đổ quân vào miền Nam Việt Nam, người Mỹ cũng cần rút ra bài học cay đắng từ cuộc chiến này. 

Bởi du kích quân mà Mỹ gọi là VC (Việt Cộng) không phải đội quân dễ chinh phục. Bởi họ là cư dân sở tại, đại diện cho chính nghĩa, không xâm lược ai, lại có lịch sử hơn 4 nghìn năm dựng và giữ nước, với lòng yêu nước nồng nàn và được dư luận khắp nơi ủng hộ. Còn quân Mỹ và đồng minh dù mạnh hơn, lại là kẻ xâm lược từ xa đến nên trước sau cũng vấp phải thất bại khó tránh mà người Pháp đã vấp phải.

Theo bài viết, bắt đầu từ tháng 5-1954, đội quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ bắt đầu suy sụp tinh thần. Pháo binh và súng cối của Pháp từ từ câm lặng bởi hỏa lực pháo binh của đối phương (Quân đội nhân dân Việt Nam) rót vào cực kỳ chính xác, chưa kể bất lợi của thời tiết, mùa mưa bắt đầu khiến hầm hào đầy nước, trong khi đó quân Pháp lại không chịu được khổ, còn hậu cần lại cạn kiệt. Sau 54 ngày bị vây hãm, ăn uống kham khổ, quân đội Pháp nhanh chóng suy kiệt cả tinh thần lẫn thể chất.

Chuyện gì đến sẽ đến, vào chiều muộn ngày 7-5-1954, trận chiến tại thung lũng Điện Biên Phủ kết thúc, gần 10 nghìn binh sĩ bị bắt, khoảng 2 nghìn người bị thiệt mạng, chỉ có 73 người tự thoát sau đó trốn sang rừng Lào. Trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc đã tiếp sức cho hội nghị tổ chức tại Genèva (Thụy Sĩ) với sự tham gia của 9 cường quốc khai mạc ngay vào ngày hôm sau. Sau hơn hai tháng đàm phán, Hiệp định Genèva về Đông Dương đã được ký kết, lập lại hòa bình cho Việt Nam kể từ khi Chiến tranh Đông Dương nổ ra tháng 12-1946, kết thúc cuộc chiến dài 9 năm.

Theo NYT, về mặt lịch sử, trong trận chiến Điện Biên Phủ, người Pháp đã đánh giá quá thấp đội quân Việt Minh của ông Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp. Tương tự, người Pháp còn mắc phải sai lầm ở cả Síp và Palestine. Và cả người Anh cũng mắc phải vết xe đổ này, cố tình xây dựng một trận chiến “điển hình” với hy vọng giành một cuộc chiến toàn diện mà bỏ qua các các cuộc chiến nhỏ. Tệ hơn, không nắm được thực lực của đối phương, quá tin vào vũ khí hiện đại cũng như sức mạnh đồng minh để rồi hối hận không kịp.

Thất bại Điện Biên Phủ qua điều trần của chính phủ Pháp

Sau gần một năm Điện Biên Phủ thất bại, chính phủ Pháp phải thành lập một ủy ban chuyên trách- The Catroux Commission (TCC) để điều tra nguyên nhân thất bại. Hồ sơ của TCC rất đồ sộ, được lưu trữ tại Phân ban lịch sử và tư liệu Bộ Quốc phòng Pháp và được giữ kín trên nửa thế kỷ bằng dấu "tuyệt mật". 

Trong những tài liệu này có cả những cuốn băng phỏng vấn các tướng Pháp từng điều hành trận chiến như De Castries, Tư lệnh quân Pháp tại Điện Biên Phủ; tướng Navarre, Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương hay tướng Rene Cogny, chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ, cấp phó của Navarre.

Qua điều tra, TCC đã phát hiện nhiều chuyện động trời về chiến thuật, các mâu thuẫn cá nhân, sai lầm chính trị… Ví dụ, hồ sơ GR 1R231 đề cập tới sai lầm của Pháp khi đánh giá đội quân Việt Minh. Thực ra, Việt Minh không yếu như người Pháp tưởng mà được dư luận ủng hộ, đặc biệt là các nước trong phe XHCN nên tiềm lực mạnh, còn việc nước Pháp bị hất ra khỏi Viễn Đông là hệ quả của hàng loạt sai lầm từ chính trị, ngoại giao cho tới quân sự.

Ví dụ, đến tháng 3-1954, đội quân Việt Minh của tướng Giáp đã vượt qua con số 40 ngàn, được trang bị cả vũ khí hạng nặng trong khi đó Pháp chỉ có dưới 15 ngàn, mọi sự chi viện đều từ bên ngoài và liên tục bị gián đoạn. Chưa kể vị trí của Điện Biên Phủ lại ở cách xa biển (cảng Hải Phòng) tới 400 km, cách các căn cứ không quân của Pháp 300 km và gần biên giới với Trung Quốc... Mọi thứ khiến quân đội Pháp hoàn toàn bị bất lợi khi bị tấn công.

{keywords}

Tướng De Castriess và quân Pháp đầu hàng sau khi Điện Biên Phủ thất thủ.

Kết quả điều tra không công bố vì giới chính trị gia Pháp muốn trốn tránh trách nhiệm và không muốn nhiều người biết. Vả lại, thời kỳ đó Pháp vẫn phải đối mặt với các cuộc chiến khác ở Bắc Phi. Sự bưng bít này làm cho các cựu binh tham gia Điện Biên Phủ bất bình với chính phủ, khiến việc điều hành của De Castries, Navarre, hay Rene Cogny không mang lại hiệu quả.

Cuộc chiến chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp

Vào năm 2014, đánh dấu 60 năm kết thúc trận Điện Biên Phủ, tờ Guardian của Anh đã có bài viết của tác giả Bruno Philip nhấn mạnh, Điện Biên Phủ là cuộc chiến chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. 

Theo Bruno Philip, Điện Biên Phủ- ba từ đeo đẳng người Pháp hàng thập kỷ về một thất bại trong quá khứ, nó diễn ra đầu tháng 5-1954, sau 57 ngày đêm chiến đấu ác liệt giữa quân đội Việt Minh và các thành viên của lực lượng viễn chinh Pháp, cuối cùng người Việt Nam đã thắng. Theo nhà sử học Jean-Pierre Rioux, đây là "trận chiến duy nhất mà đội quân hùng mạnh nhất châu Âu bị thất bại trong lịch sử phi thực dân hóa", báo hiệu sự lụi tàn của đế chế Pháp.

Từ sau Thế chiến II, phong trào giải phóng dân tộc bùng lên mạnh mẽ trên toàn thế giới nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ các nước thuộc địa ở châu Phi, Mỹ La-tinh nổi dậy, giành độc lập cho dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là “cú xé toạc” nền móng của Chủ nghĩa thực dân Pháp, chủ nghĩa từng bị suy yếu ngay từ khi mới diễn ra Thế chiến II. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là bài học kinh nghiệm quý báu, là động lực mạnh mẽ đối với Việt Nam và cho cả các nước khác đang đấu tranh vì tự do, độc lập cho chính mình. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn tạo ra một “dư chấn” mới cho phong trào đấu tranh đòi tự do, độc lập. Chỉ tính riêng trong năm 1960, 17 nước đã giành được độc lập, thế giới còn gọi là Year of Africa (Năm Châu Phi), tạo thêm động lực mới cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn hành tinh.

Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ
Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7-5 (1954-2019), xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn cảnh diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ, mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc.
 
Sáng tạo độc đáo, phi thường của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Những sáng tạo độc đáo của bộ đội ta đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vẻ vang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Ký ức chiến thắng Điện Biên Phủ không phai suốt 65 năm
Dù tiếng loa của quân Pháp ra rả "đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào" nhưng những người lính Điện Biên không nao núng.
 
Bích Kim (Theo Net/NYT...)
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...