Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điền kinh Việt Nam: Khẳng định vị thế khu vực

Cập nhật: 16:12 ngày 21/02/2017
(BGĐT) - Kể từ khi hội nhập trở lại với đời sống thể thao khu vực, bộ môn điền kinh Việt Nam góp mặt ở 14 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á-SEA Games. Khởi đầu trắng tay vào năm 1989, nhưng đến nay, điền kinh nước nhà đã nằm trong tốp đầu khu vực, từng bước vươn tầm châu lục.
{keywords}

Ngoài chinh phục Đông Nam Á, cựu VĐV điền kinh Vũ Thị Hương còn giành HCV vô địch châu Á cự ly chạy 200m nữ.

Xuất hiện từ kỳ Đại hội tái hội nhập năm 1989, điền kinh cũng như nhiều môn khác phải đối diện với một sự thật đó là tụt hậu quá xa so với mặt bằng chung khu vực. Không chỉ quá yếu về thành tích, các VĐV Việt Nam còn chẳng giống ai về trang thiết bị dụng cụ, phương pháp tập luyện, thi đấu. Một số tuyển thủ thậm chí còn khốn khổ khi lần đầu đeo giày, vì trước đó toàn chạy… chân đất. 

Dự tranh SEA Games hai năm sau đó, các nhà quản lý huấn luyện vẫn vô cùng bi quan. Thế nhưng, thực tế đã thay đổi ngoạn mục với cô gái nhỏ bé đất Cảng Hải Phòng - Vũ Mỹ Hạnh với cú nhảy úp lưng vượt qua mức xà 1,81m giành tấm HCB lịch sử nhảy cao. Từ thành tích ấy cộng thêm tấm HCĐ chạy 100m vượt rào của Nguyễn Thu Hằng, điền kinh Việt Nam mới chuyển mình theo hướng tập trung cho nội dung có hy vọng thành tích cao, nhất là cự ly chạy ngắn và nhảy cao. 

Mặc dù vậy, 4 năm sau cách làm ấy mới phát huy hiệu quả khi Vũ Bích Hường lập kỳ tích tại SEA Games 1995. Trên đường chạy 100m vượt rào, Bích Hường thực hiện kỹ thuật đánh rào hoàn hảo cùng tốc độ như tên bắn để cán đích đầu tiên, mang về tấm HLV duy nhất cho điền kinh Việt Nam. 

Có thể nói, từ Vũ Mỹ Hạnh tới Vũ Bích Hường, điền kinh Việt Nam đã tiến bộ nhiều song đến cả chục năm sau vẫn chưa thoát cảnh "ăn đong" từng tấm huy chương SEA Games. Riêng HCV có được đều nhờ vào nỗ lực tự thân của VĐV cùng may mắn, ví như Phan Văn Hóa (HCV 800m nam năm 1999), Phạm Đình Khánh Đoan (HCV 800m nữ năm 1999, 800m nữ và 1.500m nữ năm 2001)… 

Ngoài điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực, môn này còn bế tắc bởi cơn bão gian lận tuổi. Trong thời gian dài ấy, tỷ lệ VĐV điền kinh sai lệch tuổi vượt quá 50%. Mọi việc chỉ có lối thoát khi ngành thể thao triển khai chương trình quốc gia nhằm chuẩn bị đăng cai SEA Games 2003, trong đó điền kinh được xác định là một trong những môn trọng tâm. Từ tâm thế ấy, lãnh đạo bộ môn quyết tâm khắc phục triệt để vấn nạn ăn gian độ tuổi; ưu tiên tập trung đầu tư các nội dung trọng điểm như: Chạy ngắn, chạy trung bình, nhảy cao, các môn phối hợp… dưới sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia nước ngoài... 

{keywords}

Nguyễn Thị Huyền (số đeo 344) kỳ vọng tiếp tục lập thành tích xuất sắc tại SEA Games 29, năm 2017.

Nhờ những thay đổi mang tính chiến lược, tại SEA Games 22, điền kinh Việt Nam thắng lợi rực rỡ khi giành tới 8 HCV, vượt tổng thành tích của 7 kỳ Đại hội trước cộng lại. Ngoài ngôi sao Nguyễn Thị Tĩnh giành 3 HCV, phá một kỷ lục, Việt Nam còn lần đầu bước lên ngôi cao nhất ở nhiều nội dung khó như 7 môn phối hợp nữ, chạy 10.000m nữ hay chạy tiếp sức 4x400m nữ. Từ cột mốc lịch sử đó, điền kinh trở thành môn cơ bản số một, tạo nên nhiều dấu ấn khó phai trong đời sống thể thao nước nhà. Tại hai kỳ SEA Games gần nhất (2013 và 2015), bộ môn này đều giành 11 HCV. Riêng SEA Games 2015, điền kinh còn phá ba kỷ lục Đông Nam Á và giành hai chuẩn dự Olympic Rio 2016 (Nguyễn Thành Ngưng và Nguyễn Thị Huyền). 

Đáng chú ý hơn, trong khi nhiều môn thế mạnh hàng đầu khác chưa từng giành HCV nào tại giải vô địch châu Á, thì điền kinh Việt Nam đã thành công tới ba lần. Ngay từ năm 2003, nữ hoàng nhảy cao Bùi Thị Nhung đã mang về tấm HCV được đánh giá vượt trước dự báo hàng thập kỷ khi vượt qua mức xà 1,88m. Năm 2008, đến lượt Vũ Thị Hương đăng quang cự ly 200m, sau đó ba năm là Trương Thanh Hằng với chiến thắng ở cự ly 800m. Tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á-ABG 5 diễn ra năm 2016, điền kinh Việt Nam vượt chỉ tiêu và giành ngôi vị nhất toàn đoàn với 6 HCV, 7 HCB và 2 HCĐ…

Vinh dự và tự hào khi những năm qua, Bắc Giang cũng có đóng góp tích cực cho sự phát triển của điền kinh Việt Nam. Tại hai kỳ SEA Games gần đây, tỉnh ta đều có VĐV góp mặt trong thành phần đội tuyển điền kinh quốc gia tranh tài. Trong đó, Phạm Tiến Sản hai lần giành HCB cự ly chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nam, Nguyễn Thị Oanh giành 1 HCB chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nữ. Hai gương mặt này cũng là nhân tố chủ chốt giành 1 HCV, 2 HCB tại ABG 5. Sự ổn định về tâm lý, phong độ và thành tích giúp Sản và Oanh trụ vững ở đội tuyển trong suốt thời gian dài vừa qua và nhiều khả năng, cả hai sẽ tiếp tục được góp mặt tranh tài tại SEA Games 29 tại Malaysia vào tháng 8 sắp tới.

Tùng Chi (tổng hợp)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...