Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngoại binh "thất sủng" ở V-League

Cập nhật: 09:00 ngày 14/03/2017
Một điều xưa nay hiếm lại thường xuyên xảy ra ở V-League mùa này là các ngoại binh phải ngồi dự bị để nhường chỗ cho nội binh.
{keywords}

Ngoại binh lép vế trước nội binh ở mùa này. Ảnh: Bảo Lâm.

Những ngoại binh phải chịu cảnh dự bị sau 8 vòng đấu vừa qua là Claudecir (Quảng Nam, vòng 3), Patrick (Sài Gòn, vòng 4), Uche (Thanh Hóa, vòng 5, 6), Dugary (Bình Dương, vòng 6), Capistrano (Than Quảng Ninh, vòng 6, 7), Apollon (Long An, vòng 8)… Trong số này, ngoài số ít dính chấn thương thì đa phần do không đáp ứng tiêu chí ra sân của ban huấn luyện đội bóng.

Cái tên góp mặt nhiều nhất trong danh sách dự bị là Ideguchi của HAGL. Sau 4 vòng đầu đeo băng đội trưởng, ngoại binh người Nhật này phải ngồi dự bị từ vòng 5 đến nay. Chưa kể nhiều ngoại binh thậm chí không được đăng ký thi đấu vì án kỷ luật, thẻ phạt, chấn thương cũng như không đáp ứng được tiêu chí chuyên môn như Moses, Silva, Gonzalo (Hà Nội), Omar (Thanh Hóa), Ramon (Than Quảng Ninh)…

Sự lép vế của ngoại binh ở mùa này được lý giải dưới nhiều góc độ. Đầu tiên phải kể đến quy định siết chặt ngoại binh của BTC giải, theo đó mỗi CLB chỉ được quyền đăng ký tối đa 2 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch (riêng Than Quảng Ninh và Hà Nội dự AFC Cup nên được đăng ký 3 ngoại binh, 1 cầu thủ nhập tịch), thay vì 3-4 ngoại binh như các mùa trước.

Thêm vào đó chất lượng ngoại binh mùa này chỉ ở mức thấp do xu hướng chuyển dịch sang các thị trường Malaysia, Thái Lan đang có chế độ đãi ngộ cao hơn. Cũng bởi xu hướng chuyển dịch đó mà số ngoại binh sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đa số là hàng “ế” và cầu thủ trẻ. Một số được ký hợp đồng như Olaha (SLNA, SN 1997), Patrick (Sài Gòn, SN 1994), Moses (Hà Nội, SN 1992), Mobi (HAGL, SN 1994)… nhưng thực tế cơ hội ra sân rất ít.

Thực tế, vài ngoại binh chơi tốt và được trọng dụng mùa này như Fagan, Steven (Hải Phòng), Henry (SLNA), Claudecir (Quảng Nam) đều đã trên dưới 30 tuổi, lăn lộn V-League nhiều năm nên thích nghi tốt. Một nguyên nhân quan trọng không kém là sự trỗi dậy của nội binh. Omar hiện được đánh giá là ngoại binh chất lượng nhất nhì V-League nhưng khi chân sút chủ lực này dính án treo giò 4 trận thì Thanh Hóa vẫn sống khỏe nhờ nội binh và duy trì chuỗi trận bất bại lên con số 8.

Cùng với quy định siết chặt ngoại binh của BTC giải, nhiều đội bóng chủ trương sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn”, cầu thủ trẻ như HAGL, SLNA, Khánh Hòa, Hà Nội... giúp các nội binh có đất diễn và cơ hội khẳng định mình như Anh Đức (Bình Dương, 6 bàn), Vũ Minh Tuấn (Than Quảng Ninh, 5 bàn), Quang Hải (Hà Nội, 4 bàn), Văn Thanh (HAGL, 4 bàn)...

Thống kê cho thấy hơn nửa số bàn thắng (76/139 bàn, không tính 4 bàn đá phản lưới nhà) sau 8 vòng đấu do cầu thủ nội ghi, trái ngược với những con số áp đảo của ngoại binh ở những mùa trước. Ở khía cạnh nào đó, việc các đội bóng dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngoại binh, dành nhiều đất diễn cho nội binh là tín hiệu tốt cho bóng đá Việt Nam.

Theo Băng Tâm/ANTĐ


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...