Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vinh quang và những nhọc nhằn

Cập nhật: 09:38 ngày 27/03/2017
(BGĐT) - Thể thao Bắc Giang từng ghi nhiều dấu ấn tại đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế. Phía sau những tấm huy chương lấp lánh là quá trình khổ luyện gian truân, thậm chí có người phải trả giá bằng nước mắt và máu.
{keywords}

Một trận thi đấu võ thuật của VĐV Bắc Giang.

Vật - võ được xếp vào nhóm các môn thể thao khắc nghiệt hơn cả bởi tính chất thi đấu đối kháng trực tiếp. Những đòn đấm, đá, quật, quăng khiến không ít VĐV phải chịu đau đớn về thể xác, thậm chí mang dị tật suốt đời. Nếu VĐV vật có thể bị vỡ sụn tai, trẹo chân tay, gãy xương, giãn dây chằng, chệch xương sườn thì VĐV võ lại phải chịu những đòn thế dễ làm lệch vai, rách mí mắt, chảy máu mũi, gãy răng... HLV đội tuyển vật Hoàng Văn Nhật (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) từng là VĐV vô địch tại giải toàn quốc. Đi cùng với thành tích ấy là một thời gian dài anh phải điều trị chấn thương xương, khớp tại Bệnh viện Thể thao và hiện trên cơ thể vẫn còn nhiều vết sẹo. 

Theo HLV Hoàng Văn Nhật, cũng có những chuyện "sinh nghề tử nghiệp" đã xảy ra khi một VĐV môn vật của tỉnh Hải Dương tử vong trong lúc tập luyện tại Bắc Giang. Còn HLV môn Wushu Nguyễn Thanh Loan chia sẻ: “Hiện tôi đã chuyển sang làm công tác huấn luyện nhưng dư âm từ những trận thi đấu năm xưa vẫn luôn đeo bám. Mỗi khi trái gió trở trời, các khớp xương lại đau nhức, tê buốt. Xác định chấn thương là không thể tránh khỏi trong võ thuật nên thầy, trò chúng tôi luôn động viên nhau chấp nhận và học cách để vượt qua”.

Chứng kiến buổi tập của các VĐV đội tuyển Vật (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) mới thấy sự nhọc nhằn và nguy hiểm. VĐV nam theo môn vật đã khó, nữ giới còn nhọc nhằn hơn. Gương mặt triển vọng Nguyễn Thị Hương (SN 1997) ở xã Tự Lạn (Việt Yên) đến với vật chuyên nghiệp từ năm 2009. Thành tích lớn nhất của Hương là tấm HCB giải trẻ toàn quốc (năm 2013). Thời gian gắn bó với vật của Hương là những tháng ngày gian nan bởi sự nghiêm túc trong kỷ luật, hà khắc trong luyện tập và cô đã phải mang trên mình những chấn thương, dị tật do va đập. Đó là chưa kể áp lực tâm lý, dư luận xã hội với nữ VĐV. 

Chuyện thời trang, tóc tai trang điểm gần như là thứ xa xỉ. Hương nói: "Suốt ngày vật lộn, mồ hôi ra nhiều nên đa số VĐV vật bị viêm da. Những ngày đông rét mướt, việc dậy sớm để tập luyện luôn là cực hình. Nhiều buổi tập mệt nhoài, cơ thể đau nhức, đến bữa không muốn ăn. Còn nhớ, để tham gia giải trẻ toàn quốc năm 2013, em phải ép giảm 8 kg bằng cách trùm áo mưa chạy cho vã mồ hôi, dù rất thèm ăn uống  nhưng cũng gắng nhịn".

Câu chuyện của kiện tướng điền kinh Phạm Tiến Sản - người từng giành HCB tại SEA Games 28 cũng là một điển hình về sự nỗ lực và khổ luyện. Anh không ít lần phải "ghé thăm" Bệnh viện Thể thao để điều trị chấn thương cổ chân. Trước thềm SEA Games 28, do tập luyện cường độ cao, Sản “dính” chấn thương song anh vẫn cố gắng  tham gia thi đấu. Bằng ý chí quyết tâm cao, anh đã vượt qua đau đớn để có được tấm HCB danh giá tại sân chơi lớn nhất khu vực.  

Ông Ngô Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết: Đã dấn thân vào thể thao chuyên nghiệp, hơn ai hết chính các VĐV tự xác định được con đường lắm chông gai nhưng sự đam mê đã giúp họ vượt lên tất cả. Nỗi đau thể xác, áp lực tinh thần đè nén khiến các VĐV phải chịu nhiều thiệt thòi. Hiện Trung tâm có gần 400 VĐV thuộc 11 bộ môn. Trong đó nhiều môn có thành tích tốt như: Cờ vua, cầu lông, cầu mây, điền kinh… 

Nhiều môn nguy hiểm, chỉ cần sơ sểnh là dẫn tới chấn thương, bên cạnh đó một số VĐV trẻ luôn canh cánh nỗi lo cho tương lai khi giã từ nghiệp đấu. Ghi nhận đóng góp của các VĐV, thời gian qua, tỉnh đã có những chế độ đãi ngộ, quan tâm hơn đến VĐV, giúp họ phần nào yên tâm tiếp tục cống hiến cho thể thao. Tới đây ngành sẽ đề xuất tỉnh có cơ chế ưu đãi đặc thù cho các VĐV xuất sắc.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...