Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tự tin vươn xa

Cập nhật: 07:00 ngày 17/06/2017
(BGĐT) - Sau thành tích hạng Tư châu Á (năm 2000) của đội tuyển U16, bóng đá trẻ Việt Nam luôn tạo ấn tượng mạnh tại các sân chơi quốc tế. Thành tích gần đây tại các cấp độ U16, U19, U20 cho thấy bóng đá trẻ có đủ tiềm năng để vươn xa.
{keywords}

Quang Hải trong màu áo tuyển U20 VN.

Thời điểm năm 2000, với lứa cầu thủ tài năng: Văn Quyến, Ánh Cường, Lâm Tấn, Như Thuật, Minh Đức… đội tuyển U16 Việt Nam tạo nên bất ngờ lớn ở sân chơi châu Á: Thắng tưng bừng 3-2 trước Trung Quốc, 5-0 trước Nepal. Nhờ kết quả ấy, Việt Nam trở thành một trong 4 đội bóng mạnh nhất của giải. Sau thế hệ đó, thời nào bóng đá trẻ Việt Nam cũng sản sinh ra những gương mặt ưu tú, tạo được dấu ấn ở những giải đấu quốc tế. Có thể kể tới hai chức vô địch U16 Đông Nam Á năm 2006 và 2010, vào đến vòng tứ kết giải châu Á năm 2016. 

Không chỉ có vậy, tại lứa tuổi U19, bóng đá Việt Nam 7 lần góp mặt ở giải châu Á, trong đó năm 2016 xếp hạng Tư châu lục. Tại sân chơi khu vực, ngoài chức vô địch năm 2007 cùng 4 lần giành ngôi á quân, U19 Việt Nam luôn nằm trong tốp 4. Trong khi đó, đội tuyển U23 quốc gia là đội bóng quen thuộc trong nhóm hàng đầu Đông Nam Á; ba kỳ ASIAD - Đại hội Thể thao châu Á (2006, 2010 và 2014), U23 Việt Nam đều tham dự và vượt qua vòng đấu bảng. Gần đây nhất, bóng đá trẻ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử được hiện diện ở đấu trường World Cup - Giải vô địch U20 Thế giới tổ chức tại Hàn Quốc.

{keywords}

Lương Xuân Trường (7) luôn có phong độ ổn định.

Năm 2015, dù dẫn dắt đội tuyển Thái Lan đánh bại đội tuyển Việt Nam ngay tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình nhưng HLV Kiatisuk vẫn phải thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam đang có một thế hệ trẻ đầy tài năng hơn cả người Thái.

Điểm lại những thành tích nổi bật trên để thấy rằng, ở cấp độ trẻ, bóng đá Việt Nam không yếu thế trong các sân chơi đỉnh cao. Theo dõi các trận đấu của đội tuyển U16, U19, U20 hay U23 cho thấy sự tự tin và bản lĩnh mà cầu thủ thể hiện. Trước đây, mỗi khi gặp đội Thái Lan, tâm lý lo ngại khiến bóng đá Việt Nam sớm thua. Tuy nhiên, với những lứa trẻ như: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, sau này là Tuấn Tài, Văn Hậu, Quang Hải, Đức Chinh, Thanh Bình, Tiến Dũng… yếu tố tâm lý ban đầu được xóa bỏ. 

Trong nhiều thời điểm, các cầu thủ còn không có biểu hiện “khớp” khi phải đối đầu với những đội bóng mạnh của châu lục như: Nhật Bản, Trung Quốc, Qatar, Iraq, Australia và thậm chí là một số đội bóng châu Âu… Điều đó là nhờ nền tảng thể lực, kỹ thuật và trên hết là sự tự tin của cầu thủ được cải thiện nhiều. Các CLB hay trung tâm bóng đá trong nước như: Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, PVF, Hà Nội FC, Thanh Hóa… cũng ngày càng quan tâm đến công tác đào tạo trẻ, áp dụng những phương pháp huấn luyện bài bản, khoa học, hiện đại. Đó cũng là lý do mà HLV Nguyễn Hữu Thắng triệu tập tới 7 cầu thủ U20 vào đội tuyển quốc gia. 

Sau những năm tháng "ăn xổi", “xây nhà từ nóc” - như cựu HLV trưởng đội tuyển quốc gia A.Riedl từng thẳng thắn chỉ rõ, nay với thành tích xuất sắc mà lứa trẻ trình diễn, bóng đá Việt Nam đang thực sự chuyển sang “xây nhà từ móng”. Trong quá khứ, đã có nhiều bài học đau đớn, như lứa Văn Quyến từng mắc phải. Xuất sắc là vậy nhưng chỉ vài năm sau, đội hình U16 năm 2000 chỉ còn lại là cái bóng của chính mình. Rất ít cầu thủ trong đó trụ lại được với bóng đá đỉnh cao, số còn lại người thì bị kỷ luật, người không có môi trường để tiếp tục phát triển… Để tránh phạm sai lầm đáng tiếc, điều quan trọng hiện nay là phải chăm sóc, nuôi dưỡng, rèn luyện thật tốt cả về đạo đức lẫn chuyên môn để các lứa trẻ tiếp tục phát huy tài năng, cống hiến sức lực, đưa bóng đá Việt Nam tự tin vươn mình ra biển lớn.

Quốc Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...