Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chơi bóng chuyền hơi: Có sức khỏe, thêm niềm vui

Cập nhật: 10:27 ngày 23/03/2018
(BGĐT) - Sau ít năm xuất hiện, đến nay bóng chuyền hơi trở thành món ăn tinh thần, hoạt động thể thao lành mạnh, bổ ích của đông đảo nhân dân. Thường xuyên luyện tập môn thể thao này, người dân vừa có sức khỏe vừa tạo niềm vui trong cuộc sống.
{keywords}

Một trận đấu tại Giải bóng chuyền hơi của phụ nữ huyện Yên Dũng năm 2018.

Ở thời điểm mới du nhập về tỉnh Bắc Giang (năm 2012), bóng chuyền hơi chủ yếu thu hút người cao tuổi luyện tập. Tuy nhiên, do dễ chơi, dễ kẻ vẽ sân đấu, đầu tư ít tốn kém nên đối tượng tham gia môn thể thao này càng mở rộng. Dạo quanh TP Bắc Giang và một số huyện lân cận vào cuối buổi chiều, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những trận đấu bóng chuyền hơi đầy sôi động. Ở sân nhà văn hóa thôn Dĩnh Xuyên, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), đông đảo người dân quây quanh sân bóng theo dõi các vận động viên (VĐV) nghiệp dư tranh tài trước khi đến lượt mình vào sân.

Bà Lê Thị Lợi, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) của thôn chia sẻ: “Không gì vui bằng việc được hòa mình vào không khí thể thao ấy. Việc luyện tập thường xuyên bóng chuyền hơi giúp mỗi người thêm khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần”. Được biết, tính riêng đối tượng người cao tuổi, ở huyện Lạng Giang có gần 200 CLB, thu hút hàng nghìn hội viên. Hay như tại huyện vùng cao Sơn Động, chỉ riêng giải đấu nữ đoàn viên công đoàn dịp 8-3 mới đây cũng đã có tới 61 đội bóng với khoảng 600 VĐV đăng ký tranh tài…

Có mặt tại Trường Tiểu học Nham Sơn (Yên Dũng) đúng vào dịp diễn ra giải bóng chuyền hơi phụ nữ toàn huyện, tôi khá bất ngờ bởi giải thu hút tới gần 300 VĐV của 100% xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị. Mỗi đội bóng đều trang bị đồng phục riêng và thi đấu có đường nét kỹ thuật. Điều đó chứng tỏ phong trào ở cơ sở khá phát triển và các đội có sự chuẩn bị, tập luyện chu đáo. Anh Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện cho biết: “Ở Yên Dũng, mỗi thôn, mỗi trường học có ít nhất một đội và sân bóng chuyền hơi. Hằng năm, ngoài các giải đấu của người cao tuổi, phụ nữ, hầu như xã nào cũng tổ chức giải riêng, tạo môi trường để đánh giá và phát triển phong trào”.

Phong trào bóng chuyền hơi nở rộ đã góp phần nâng tỷ lệ dân số tập thể thao thường xuyên của tỉnh lên 33% và quan trọng hơn, nó tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân, giúp họ có điều kiện nâng cao sức khỏe, giao lưu làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bóng chuyền hơi không đòi hỏi người chơi phải có nhiều kỹ thuật và thể lực, cũng không phải dùng nhiều sức để bật nhảy, do vậy hạn chế chấn thương. Chính bởi những yếu đó mà nó trở thành môn thể thao hấp dẫn, phù hợp cho mọi đối tượng, thành phần.

Chị Nguyễn Thị Minh ở khu 34, xã Song Mai (TP Bắc Giang) cho hay, từ lúc biết đến bóng chuyền hơi, trừ những ngày mưa hoặc bận công tác, còn lại chị chưa bỏ buổi tập nào. “Sau một ngày bận rộn thì khoảng thời gian cùng mọi người chơi bóng là lúc tinh thần được thoải mái, vui vẻ nhất. Hơn nữa, việc tập thường xuyên còn giúp tôi có được cơ thể khỏe mạnh để làm việc” - chị Minh chia sẻ.

Không chỉ đem lại sức khỏe, môn thể thao này còn là nơi để các VĐV, CLB giao lưu, học hỏi. Qua nắm bắt, ngoài các buổi tập, hầu hết các CLB bóng chuyền hơi trong tỉnh đều có những hình thức giao lưu để học hỏi, tăng cường tình đoàn kết với CLB bạn. Anh Hoàng Anh Dũng ở CLB Sông Thương, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho biết, đội bóng của anh tối thiểu mỗi tuần có một trận đấu giao hữu. Theo anh, điều này tốt cho hoạt động của CLB bởi việc thi đấu thường xuyên giúp CLB duy trì theo hướng bền vững, còn các thành viên có điều kiện cọ xát, nâng cao trình độ.

Tuy phát triển mạnh nhưng thực tế vẫn đặt ra những vấn đề cần quan tâm với môn bóng chuyền hơi. Đa phần các CLB thành lập chủ yếu mang tính tự phát, hoạt động thiếu định hướng và tính khoa học. Nhiều nơi tổ chức luyện tập bất kể thời gian, thậm chí thi đấu cả vào lúc trưa hoặc tối muộn ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của vận động viên. Vì thiếu quỹ đất nên không ít CLB phải tận dụng những khoảng đất trống, mấp mô để tự làm sân bãi tập. Việc tổ chức giải ở một số địa phương chưa thực sự quy củ, nền nếp và chưa bảo đảm tính hệ thống… Do vậy, công tác quản lý nhà nước về thể thao ở các cấp cần được tăng cường hơn nữa, qua đó góp phần đưa phong trào luyện tập bóng chuyền hơi trong tỉnh ngày càng phát triển, tiếp tục nâng cao chất lượng.

Quốc Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...