Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quần vợt nam thế giới - Vẫn là kỷ nguyên “tứ hùng”

Cập nhật: 18:31 ngày 29/07/2018
(BGĐT) - Mùa giải 2018 chưa khép lại nhưng với những gì đã diễn ra, quần vợt nam thế giới cho thấy có rất nhiều điểm nhấn. Một trong dấu ấn quan trọng là sự khẳng định vị thế của nhóm Big four (tứ hùng). 
{keywords}

Djokovic (bên trái) và Nadal.

Sức mạnh của Big Four

Tính đến hết tháng 7, ngoài các giải trong hệ thống ATP World tour hay Master Series, ba trong tổng số 4 giải đấu danh giá nhất làng banh nỉ (Grand Slam) đã khép lại gồm: Australia mở rộng, Pháp mở rộng và Wimbledon. Điểm đáng lưu tâm là việc ba nhà vô địch nội dung đơn nam ở những giải đấu đó đều nằm trong nhóm được quần vợt thế giới mệnh danh là “Big four”: Federer, Nadal, Djokovic (người còn lại của nhóm là Murray chưa bình phục chấn thương). Đó rõ ràng là một sự khẳng định!

Ở tuổi 37, Roger Federer chưa có dấu hiệu dừng lại. Sự đĩnh đạc về phong cách, dẻo dai về kỹ thuật và thể lực giúp huyền thoại sống người Thụy Sĩ liên tục có những màn thể hiện đầy ấn tượng với trái banh nỉ. Anh cuốn phăng mọi đối thủ ở giải Australia mở rộng dịp đầu năm để giành Grand Slam thứ 20 trong sự nghiệp. Trong khi đó Raphael Nadal tiếp tục cho thấy mình vẫn là “ông vua sân đất nện” khi thống trị giải Pháp mở rộng. Hạ gục Dominic Thiem ở trận chung kết đầu tháng 6-2018, tay vợt người Tây Ban Nha đã thiết lập kỷ lục 11 lần lên ngôi vô địch giải đấu. Thành tích này chắc chắn sẽ phải rất lâu nữa mới có thể bị phá vỡ.

Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả chính là sự trở lại mạnh mẽ của Novak Djokovic. Chấn thương khuỷu tay dai dẳng, tay vợt người Serbia buộc phải phẫu thuật và điều này khiến anh đánh mất phong độ trong khoảng thời gian rất dài. Góp mặt ở một số giải đấu kể từ cuối năm 2017 nhưng Novak chỉ còn là cái bóng của chính mình. 

Đây chính là nguyên nhân mà trước khi Wimbledon 2018 khởi tranh, giới chuyên môn đặt dấu hỏi về khả năng cạnh tranh của cựu số 1 thế giới. Vậy nhưng anh đã đập tan mọi hoài nghi bằng sự kiên trì đến kinh ngạc. Hạ gục kình địch Nadal ở bán kết rồi sau đó đánh bại Anderson trong trận chung kết, Djokovic lần thứ 4 vô địch Wimbledon và quan trọng hơn danh hiệu đó giúp anh đủ tự tin để tìm lại sức mạnh.

Điểm chung trong chiến thắng của những tay vợt kể trên là việc họ kiên trì theo đuổi phong cách thi đấu của mình. Chẳng hạn Federer vẫn chứng tỏ sự điềm tĩnh, hào hoa trong lối đánh; thường xuyên tìm cách hạ gục đối thủ bằng các đường bóng hiểm, có độ chính xác cao. 

Trong khi ấy, Nadal duy trì được nền thể lực sung mãn, luôn thể hiện quyết tâm cao độ trong từng trận đấu. Còn Djokovic, hẳn nhiên là sự lạnh lùng, đeo bám ở mỗi đường bóng, qua đó dồn đối thủ vào thế ức chế tâm lý dẫn đến tự đánh hỏng. Tất nhiên, đều ở tuổi ngoài 30, việc duy trì phong độ đỉnh cao cũng cho thấy họ là những con người thực sự chuyên nghiệp và bền bỉ.

Ai đủ sức phá vỡ thế thống trị?

{keywords}

Ở tuổi 37, Federer vẫn giữ được phong độ đỉnh cao.

Ở thời điểm này có lẽ chưa có câu trả lời thỏa đáng. Lý do thứ nhất: Cả Federer, Nadal lẫn Djokovic hiện tại vẫn tràn đầy năng lượng và khát khao chiến thắng. Thứ hai là quần vợt nam thế giới chưa thực sự có một tay vợt nào hội tụ được các yếu tố tài năng và sự ổn định để sẵn sàng chinh phục thử thách. 

Đơn cử, Dominic Thiem được xem là “Hoàng tử sân đất nện” nhưng ở trận chung kết Pháp mở rộng 2018 mới đây, trước đàn anh Nadal, tay vợt 25 tuổi ấy chẳng gây được chút khó khăn nào. Tỷ số 0-3 cho thấy vẫn còn khoảng cách khá xa về trình độ và đẳng cấp giữa hai tay vợt.

Sở hữu thể hình và thể lực rất tốt nhưng Marin Cilic cũng chỉ đủ khả năng tạo ra một thế trận kịch tính (thua 2-3) trước Federer ở chung kết Australia mở rộng đầu năm. Cái yếu của Cilic so với huyền thoại Thụy Sĩ là kinh nghiệm và bản lĩnh trong những thời điểm quyết định. Hay như bại tướng của Djokovic trong trận chung kết Wimbledon 2018 - Kevin Anderson thực ra cũng chỉ là một hiện tượng với sức mạnh chủ yếu là những cú giao bóng uy lực. Gặp các tay vợt gạo cội như Djokovic thì rõ ràng cơ hội để Anderson tạo bất ngờ là hầu như không có.

Ngoài ra, thế giới quần vợt cũng chứng kiến không ít tay vợt trẻ giàu tiềm năng, tuy nhiên hầu hết đều chưa đủ khả năng để vươn tầm đẳng cấp. Chẳng hạn sau thời gian ngắn gây ấn tượng, tay vợt người Đức - thần đồng 21 tuổi Alexander Zverev phần nào chững lại. Trong khi ấy, dù lên ngôi vô địch ATP World tour Final 2017 nhưng tay vợt người Bulgaria - Grigor Dimitrov hầu như mất hút kể từ đầu năm 2018 đến nay… Milos Raonic (Canada) cũng ở vào tình trạng tương tự.

Với những yếu tố và diễn biến kể trên, trong tương lai gần có lẽ vẫn chưa có tay vợt nào đủ sức phá vỡ thế thống trị mà những Federer, Djokovic, Nadal tạo ra. Và như vậy, “Big four” sẽ tiếp tục hiện diện và chiếm lĩnh đỉnh cao của quần vợt nam thế giới.

Quốc Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...