Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gia đình- Nhân tố thúc đẩy phong trào thể thao Bắc Giang

Cập nhật: 08:27 ngày 27/03/2019
Với những đóng góp của các tập thể, cá nhân đã góp phần để thể thao Bắc Giang đứng vị trí tốp đầu trong các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Rèn luyện để tăng cường sức khỏe

Mặc dù đã trải quả vài tháng nhưng khi kể về tấm Huy chương Đồng môn cầu lông hai bố con giành được trong giải gia đình toàn quốc diễn ra tại Tây Ninh, anh Hà Lương Giảng, thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh, Lạng Giang vẫn không khỏi bồi hồi, phấn khởi. “Mục tiêu chính chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe, không ngờ thi đấu lại mang vinh quang cho tỉnh. Mỗi lần tham gia giải đấu dù cấp huyện, tỉnh hay quốc gia đều là dịp để gia đình tôi học hỏi thêm kinh nghiệm, từ đó có phương pháp luyện tập phù hợp”, anh Giảng nói.

{keywords}

Tham gia giải gia đình tỉnh Bắc Giang, đôi mẹ con Hà Huy Hùng đứng thứ nhất. 

Tìm hiểu được biết, cả ba thế hệ của gia đình anh Giảng đều đam mê thể thao, nhất là môn cầu lông. Bố anh Hà Lương Quang, dù chỉ luyện tập ở sân “làng”, nhưng do có năng khiếu nên có kỹ, chiến thuật rất tốt. Sự cần cù, chịu khó tập luyện của ông đã truyền sang cả con trai, con dâu và cháu nội Hà Huy Hùng. Nhiều lúc bốn thành viên gia đình trở thành hai cặp tập luyện trên sân.

Do tập luyện kiên trì, khoa học nên trình độ của các thành viên trong gia đình tiến bộ nhanh. Và ai kết hợp với nhau cũng đều ăn ý, hiệu quả. Tham gia các giải thi đấu cấp huyện, tỉnh và quốc gia đều giành giải cao. Tiêu biểu trong đó là giải nhất cấp tỉnh cả cặp đôi vợ chồng; bố con và mẹ con. Đặc biệt là Huy chương Đồng giải Quốc gia bố con vào tháng 8- 2018. Hùng và mẹ (chị Đỗ Thị Hương) đánh giải gia đình cấp tỉnh đều đứng vị trí thứ nhất.

Cũng như anh Giảng, ba thế hệ gia đình anh Nguyễn Lương Thắng, khu 2, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) đến với môn bóng bàn từ niềm đam mê, yêu thích. “Lúc bé tôi thường đi xem và nhặt bóng cho bố tôi, rồi đam mê. Sau con tôi, cháu Nguyễn Trung Kiên cũng xem và nhặt bóng cho tôi rồi cũng yêu thích bóng bàn. Đáng mừng là thế hệ sau đều tiến bộ hơn thế hệ trước. Tôi chơi giỏi hơn bố, còn con lại tiến bộ hơn tôi”, anh Thắng tự hào.

{keywords}

Nguyễn Trung Kiên trong một giải đấu

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hiệp Hòa Dương Minh Hường, gia đình anh Thắng rất tiêu biểu trong hoạt động thể thao của huyện. Bản thân anh Thắng tham gia nhiều giải đấu trong tỉnh đều giành được giải cao. Nổi bật trong đó là giành Huy chương Vàng đôi nam tại Đại hội thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang lần thứ VIII năm 2017. Còn với Nguyễn Trung Kiên, con trai anh, đây là vận động viên (VĐV) rất triển vọng. Kiên biết chơi bóng bàn từ khi mới 6 tuổi. Đến năm 8 tuổi bắt đầu tham gia thi đấu rồi liên tục giành các giải cao từ cấp trường, huyện, tỉnh, quốc gia và khu vực. Nổi bật trong đó là năm 2007 (khi mới 9 tuổi) đã giành 1 Huy chương Vàng cá nhân và 1 Huy chương Vàng đồng đội tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc diễn ra tại tỉnh Phú Thọ. Tiếp đó em luôn giành giải cao lứa tuổi tại các giải đấu toàn quốc. Dấu ấn ghi tên Nguyễn Trung Kiên trong số VĐV tiêu biểu của quốc gia khi giành Huy chương Bạc tại Giải bóng bàn lứa tuổi trẻ khu vực Đông Nam Á vào năm 2008. Cũng giải này năm 2013, em đã giành tới 3 huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng đôi và 1 Huy chương Bạc đồng đội.

Nhân lên những gia đình thể thao tiêu biểu

Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ XVIII, đoàn Bắc Giang tham dự 10/36 môn thể thao. Kết quả giành 21 huy chương các loại (9 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng), đứng thứ 1/19 tỉnh miền núi phía Bắc.

Điểm chung của các gia đình thể thao là thế hệ trước truyền đam mê cho thế hệ sau. Người luyện tập thường xuyên đều có sức khỏe tốt. Thấy rõ tác dụng của tập luyện thể dục thể thao, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng toàn tỉnh đều quan tâm đến vấn đề này. Cùng với tạo điều kiện để các địa phương xây dựng sân, bãi tập còn thường xuyên tổ chức các giải thi đấu nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn; đầu xuân; thường niên để khích lệ các thành viên, gia đình luyện tập. Vì vậy, thể thao quần chúng lan rộng từ cán bộ, đoàn viên, người lao động đến lực lượng vũ trang. Số câu lạc bộ (CLB) thể thao năm sau cao hơn năm trước. Hiện toàn tỉnh có 2.658 CLB (đăng ký theo quy định), tăng 535 CLB so với đầu năm 2018. Phong trào thể dục, thể thao trong các trường học có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện 100% trường thực hiện đúng chương trình giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo báo cáo của phòng quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện toàn tỉnh có 55.432 gia đình thể thao, chiếm gần 14% số gia đình toàn tỉnh. Trong đó có hơn 5.000 gia đình vận động viên tiêu biểu. Nổi bật ở các huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên và thành phố Bắc Giang. Những môn thể thao tiêu biểu đang được nhiều người quan tâm luyện tập là bóng chuyền hơi, câu lông, quần vợt, đá cầu, điền kinh, vật, võ cổ truyền, đẩy gậy…

{keywords}

Nguyễn Trung Kiên giành giải Nhất giải bóng bàn khu vực.

Phong trào rèn luyện thể thao trong các tầng lớp nhân dân không chỉ nâng cao sức khỏe cho mọi người mà còn góp phần vào thành tích của thể thao tỉnh nhà trong đấu trường khu vực và quốc gia. Năm 2018, tham gia các giải thi đấu, các vận động viên toàn tỉnh giành 217 huy chương các loại. Trong đó, 68 Huy chương Vàng, 53 Huy chương Bạc, 96 Huy chương Đồng. Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ XVIII, đoàn Bắc Giang tham dự 10/36 môn thể thao. Kết quả giành 21 huy chương các loại (9 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng), đứng thứ 1/19 tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh để thời gian tới, phong trào tập luyện thể thao diễn ra mạnh mẽ trong mỗi gia đình cũng như mọi tầng lớp nhân dân, cấp ủy, chính quyền cần đẩy mạnh cuộc vận động “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao trong các đối tượng công nhân viên chức, lao động, thanh thiếu niên, nông dân, phụ nữ…. Hướng các hoạt động thể thao về cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa, vùng dân tộc ít người nhằm khai thác, phát huy, giữ gìn những môn thể thao dân tộc truyền thống và các trò chơi dân gian, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc được tham gia các hoạt động. Làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia, thúc đẩy sự nghiệp thể thao ngày càng phát triển.

Thanh Hải

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...