Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thể thao
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

V-League 2019 và nỗi buồn để lại cho HLV Park

Cập nhật: 18:47 ngày 29/10/2019
Danh sách đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho hai trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 trong tháng 11 giống như một phần tổng kết đáng lo ngại cho V-League vừa kết thúc.

Mười năm trước, một tiền đạo người Argentina - tên là Merlo Gaston - xuất hiện tại V-League và ngay lập tức, anh trở thành Vua phá lưới với 15 bàn, góp công lớn cho chức vô địch đầu tiên của Đà Nẵng ở V-League.

{keywords}

Việc một cầu thủ đã 33 tuổi như Anh Đức thường xuyên được gọi lên đội tuyển cho thấy sự khan hiếm tiền đạo của bóng đá Việt Nam.

Tại giải đấu số một Việt Nam vừa kết thúc, Merlo, bây giờ 35 tuổi và đã là người Việt Nam với cái tên Đỗ Merlo, ghi 11 bàn cho Đà Nẵng, nâng tổng số bàn thắng mà anh có được ở V-League lên con số 128. 

Trong 10 năm đá bóng ở Việt Nam, tiền đạo nhập tịch này ghi trung bình 15 bàn mỗi mùa, tính trên mọi giải đấu. Không ai có hiệu suất khủng khiếp đến như vậy.

Cùng sinh năm 1995 như Đỗ Merlo, nhưng năm 2009, Nguyễn Anh Đức còn chưa có cơ hội đá chính tại Bình Dương. Trên đội tuyển quốc gia, dù được xem là tài năng cùng thời với Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh nhưng Đức "E’to" bị xếp vào dạng "dự bị mãi mãi" dưới thời HLV Alfred Riedl trong giai đoạn 2003-2007. Đến thời kỳ Henrique Calisto, anh càng không có "cửa". 

Đó là giai đoạn mà hàng tiền đạo của Việt Nam ở trạng thái thừa, với Công Vinh, Việt Thắng, Quang Hải, Đình Tùng... Chỉ đến khi những người sinh cùng năm lần lượt giã từ sự nghiệp, Anh Đức mới kịp tỏa sáng, với danh hiệu Vua phá lưới V-League 2017, ở tuổi 33.

Mùa giải năm nay, Anh Đức vẫn kịp ghi năm bàn và có thể nói, HLV Park Hang-seo vẫn còn may mắn bởi đó là những gì... tốt nhất mà V-League có thể trao cho ông ở vị trí tiền đạo mũi nhọn. May mắn hơn nữa là "lão tướng" này vẫn còn đam mê chơi bóng.

Rất khó chấp nhận, nhưng sự thật là V-League bây giờ không thể sản sinh ra các tiền đạo nội chất lượng.

Lấy ví dụ ở trường hợp Đỗ Merlo. Tại Đà Nẵng, có Hà Đức Chinh - một người được kỳ vọng rất nhiều kể từ sau kỳ tích ở giải U23 châu Á 2018. HLV Lê Huỳnh Đức chịu nhiều chỉ trích khi ít sử dụng Chinh "đen". 

Tuy nhiên, chuyện này đơn giản vì ông đã có Đỗ Merlo. Trong 11 bàn mà Đỗ Merlo ghi cho Đà Nẵng, có đến 10 bàn được ghi trong năm chiến thắng và một trận hòa của đội nhà. 

Nghĩa là một mình Đỗ Merlo góp công trực tiếp vào 16 trong tổng số 33 điểm mà Đà Nẵng có được mùa này. 

Như vậy, chưa biết Hà Đức Chinh sẽ làm được gì khi được dùng thường xuyên, nhưng có một điều chắc chắn là Đà Nẵng sẽ khó trụ hạng nếu thiếu những bàn thắng của Đỗ Merlo. 

Với một đội bóng đang sa sút, không đóng góp được cầu thủ nào cho đội tuyển quốc gia, thì bất kỳ HLV nào cũng phải làm như ông Đức: Đặt niềm tin vào một chân sút ngoại 35 tuổi để bảo đảm trụ hạng, giữ được ghế ngồi.

Trường hợp Đỗ Merlo là thực trạng của V-League. Vì quyền lợi thiết thực của mình, vì sự tồn tại của CLB, các HLV phải chọn tiền đạo ngoại làm giải pháp an toàn. 

Nhưng không thể vì thế mà cho rằng các CLB hay HLV ở V-League quá ích kỷ. Họ rõ ràng chẳng còn chọn lựa nào khi hệ thống đào tạo không sản sinh ra những cầu thủ chuyên đá trên cao nhất.

Như đã nói, 10 năm trước, Anh Đức không có chút cơ hội nào kể cả khi cạnh tranh với các đồng hương. Giai đoạn bùng nổ của V-League (từ 2008 đến 2012), các tiền đạo Việt Nam đều có khả năng ghi trên 10 bàn mỗi mùa, bất chấp khi đó V-League được đăng ký năm và sử dụng ba ngoại binh. 

Nhưng ngay cả khi V-League hạn chế ngoại binh ở giai đoạn 2013-2017 thì cũng chẳng tìm đâu ra tiền đạo giỏi, và người nổi bật nhất chính là... Anh Đức. 

Trong mùa 2016 và 2017, Anh Đức ghi 27 bàn, cao hơn tổng số bàn của các mùa còn lại mà anh từng thi đấu cho Bình Dương. Chất lượng của những tiền đạo đồng hương của anh ra sao thì "lão tướng" ấy mới nổi bật được như thế.

Vì thế, HLV Park Hang-seo tiếp tục không triệu tập Minh Vương và Văn Quyết, hai cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn nhất ở V-League vừa qua. Họ không phải là những tiền đạo và giá trị các bàn thắng của họ thì không cao. 

50% số bàn của Minh Vương ghi được hầu như không mang lại yếu tố quan trọng về điểm số cho HAGL. 

Trong khi đó, ở đội bóng mạnh đến tuyệt đối như Hà Nội, 9 bàn của Văn Quyết lại càng ít quan trọng. Nếu đem so sánh với 11 bàn của Đỗ Merlo, thì còn kém cỏi hơn.

Có thể nói, HLV Park Hang-seo đã sử dụng tối đa quyền lựa chọn mà ông có với ba tiền đạo có số lượng và chất lượng bàn thắng tốt đến từ HAGL (Nguyễn Văn Toàn), Bình Dương (Anh Đức) và Quảng Nam (Hà Minh Tuấn). 

Việc gọi thêm Việt Phong và duy trì Công Phượng xem như đã "vét sạch" tất cả những gì đang có trên hàng công của bóng đá Việt Nam.

HAGL trụ hạng V-League 2019
Hạ chủ nhà TP HCM với tỷ số 2-1 nhờ hai quả phạt đền, HAGL giành vé trụ hạng sớm một vòng đấu chiều 19-10.
HAGL đại thắng Hải Phòng
Minh Vương lập hat-trick khi chủ nhà HAGL hạ Hải Phòng 5-1 ở vòng 24 V-League 2019, chiều 20-9.
Trọng tài 'bẻ còi' trên sân Hàng Đẫy
Ông Trương Hồng Vũ công nhận bàn thắng cho Bình Dương, nhưng sau đó đổi ý, khiến đội khách thua Viettel 1-2 ở vòng 24 V-League 2019, tối 20-9.
Hà Nội vô địch V-League 2019
Hà Nội vô địch sớm hai vòng đấu khi đánh bại SLNA 1-0 trên sân Vinh chiều 19-9.

Theo VnExpress

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...