Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vì nụ cười con trẻ

Cập nhật: 09:53 ngày 12/09/2014
(BGĐT) - Hẳn trong mỗi chúng ta, không ai không nhớ hai câu thơ giản dị nhưng chứa chan tình thương của Bác Hồ đối với thế hệ măng non của đất nước trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi”: Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”. 

Lẽ thường, búp non là phần dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng giàu sức sống nhất.

Cây có xanh tươi, thân cành có khoẻ khoắn cũng là từ những búp non ấy. Bởi vậy mà từ trong đạo lý truyền thống của người Việt ta cho đến các chủ trương, chính sách cụ thể, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn nỗ lực chăm lo, dành cho trẻ em sự quan tâm thiết thực nhất. 

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Cụ thể hóa những cam kết ấy, bên cạnh từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phát triển sâu rộng, trở thành nét đẹp sinh động, hiện hữu trong đời sống. 

Hiếm ngành nào, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội nào, cơ quan, doanh nghiệp nào lại không có những việc làm hướng đến trẻ em, vì trẻ em. Hiếm khu dân cư nào, gia đình nào lại không dành cho trẻ em sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ bằng tình thương và trách nhiệm vì nụ cười con trẻ. Những việc làm thiết thực ấy là điều kiện để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Thế nhưng, cũng bởi là những mầm non nên trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, lạm dụng nhất. Báo cáo của Bộ Công an tại buổi toạ đàm với chủ đề phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tháng 7-2014 cho thấy, bạo lực trẻ em tuy giảm nhưng mỗi năm cả nước vẫn xảy ra hơn ba nghìn vụ. Còn kết quả khảo sát của Tổng Cục thống kê, gần 74% trẻ từ 2-14 tuổi bị cha mẹ, người thân trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. 

Ở tỉnh Bắc Giang, những hành vi xâm hại trẻ không còn hiếm. Đơn cử, ngày 4-9, Công an huyện Lạng Giang bắt khẩn cấp hai đối tượng liên quan hai vụ án hiếp dâm. Đáng lưu ý, trong hai vụ án này, có bị hại là trẻ 13 tuổi. Những con số, hành vi nêu trên dù được bao biện bởi bất kỳ lý do gì thì trẻ em cũng đã là nạn nhân bị xâm hại nghiêm trọng. 

Bạo lực và xâm hại ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và tinh thần của trẻ. Biểu hiện rõ nhất là giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội, tác động tới quá trình trưởng thành sau này. Do đó, bên cạnh xử lý nghiêm những hành vi ngược đãi trẻ, đỏi hỏi phải có sự chung tay chăm lo nhiều hơn, thiết thực hơn của cả cộng đồng, xã hội. 

Không chỉ lên án mạnh mẽ hành động bạo lực đối với trẻ mà hoạt động này rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn của các cơ quan bảo vệ pháp luật và nhất là vai trò trực tiếp của mỗi gia đình. Từng gia đình phải thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con trẻ và là thành trì an toàn bảo vệ các em trước sự xâm nhập của tệ nạn xã hội cũng như những nguy cơ bị xâm hại khác.  


 Lê Minh



                         

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...