Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 22 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Một sự lãng quên đáng trách

Cập nhật: 08:30 ngày 15/09/2014
(BGĐT) - Nhà văn Đỗ Chu, sau chuyến đi châu Âu đã viết bài tùy bút đăng trong cuốn “Chén rượu gạn đáy vò” có đoạn: “Quê nhà mấy năm nay thấy bàn nhiều đến hội nhập, bàn tùm lum, bàn vui vẻ, nhưng chưa bàn nhiều trước câu hỏi nghiêm túc vậy ta cần phải làm thế nào để có thể hội nhập?”. Và ông kết luận: “Chung quy vẫn là chuyện con người chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Rất nhiều người đi học tập, công tác, du lịch ở nước ngoài tỏ ra bức xúc, cảm thấy bị xúc phạm khi gặp những tấm biển ở siêu thị, nhà hàng, nơi công cộng bằng tiếng Việt như: “Không được ăn cắp”; “Nếu để thức ăn thừa sẽ bị phạt”; “Không được vứt rác bừa bãi”…Tuy là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng phải thừa nhận đó là thói xấu dễ gặp của nhiều người Việt nên người nước ngoài họ phải cảnh báo như thế cũng chẳng oan. 

Nhìn đâu xa, ra đường bây giờ là thấy tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ khi tham giao thông; hút thuốc, xả rác, chen lấn, nói tục, chửi bậy nơi công cộng… những thứ mà ở các nước họ rất ghét và phạt nặng thì ở ta nhiều người lại thấy bình thường và vô tư vi phạm. 

Những vụ đánh lộn, thậm chí án mạng chỉ do “nhìn đểu”, do va chạm giao thông hay chỉ vì tranh giành mấy thứ lặt vặt chẳng mấy khi không thấy xuất hiện trên báo chí hàng ngày. 

Nói con người “được chuẩn bị kỹ lưỡng” chính là cần sự giáo dục từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Nếu trong gia đình trên bảo dưới không nghe, không có sự yêu thương gắn kết; trong nhà trường mà “thầy không ra thầy, trò không ra trò”; trong xã hội còn thói vô cảm, dối trá, coi thường pháp luật… thì sự “kỹ lưỡng”  lấy ở đâu ra (!?).

Ở nhiều nước họ coi trọng giáo dục đào tạo để trang bị cho con người có các phẩm chất “trung thực, yêu thương, sáng tạo và kiên trì hành động” thì cũng phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới trở thành một nước giàu mạnh, văn minh. 

“Trông người lại ngẫm đến ta” thấy rằng việc con người “được chuẩn bị kỹ lưỡng” của ta vẫn còn nhiều trăn trở lắm thay. 

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho biết: “Giáo dục tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức là nhiệm vụ cốt lõi và có tính chiến lược nâng cao đạo đức học sinh THPT… Tuy nhiên, nhiều trường THPT thường lãng quên hoặc ít quan tâm…”.

Dù tác giả không nói là trường nào “lãng quên” và vẫn biết rằng hệ thống giáo dục và đào tạo chỉ là cái vòng tròn nhỏ nằm bên trong cái vòng tròn lớn là toàn xã hội. Thế nhưng để “con người được chuẩn bị kỹ lưỡng”, góp phần xây dựng quê hương, đất nước hội nhập, phát triển thì trường học nào lãng quên như thế  là sự lãng quên hết sức đáng trách.  


Trần Anh











Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...