Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Tham thì thâm

Cập nhật: 07:51 ngày 16/09/2014
(BGĐT) - Câu thành ngữ trên hàm ý chê trách kẻ tham lam quá mức thường phải trả giá bởi việc làm của mình. Với cán bộ, lòng tham có thể dẫn đến những việc làm sai trái, nhẹ thì bị phê bình, kiểm điểm, nặng có thể phải ngồi tù, thậm chí bị tử hình. 

Cũng chỉ vì lòng tham và bất chấp quy định của pháp luật, hai ông: Hoàng Vũ Tăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Quang Châu (Việt Yên) và Nguyễn Mạnh Thư, nguyên Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân xã Lam Cốt (Tân Yên) bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra xử lý về hành vi chiếm đoạt tài sản. 

Là Phó Chủ tịch UBND xã, vì kinh doanh thua lỗ, với “mác” cán bộ, ông Tăng dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Đến Công an huyện Việt Yên đầu thú, ông này khai bản thân đang nợ khoảng 6 tỷ đồng. Với thủ đoạn lạm dụng chức vụ, quyền hạn và sơ hở trong công tác quản lý, ông Nguyễn Mạnh Thư chiếm đoạt của ba khách hàng hơn 1,46 tỷ đồng. 

Liên quan đến hai sự việc trên, có ý kiến cho rằng do các cơ quan, tổ chức liên quan yếu kém trong công tác quản lý, nhất là quản lý cán bộ dẫn đến phát sinh sai phạm. Ý kiến này đúng nhưng chưa hẳn. Đúng là bởi nếu các cơ quan, tổ chức quản lý chặt chẽ, giám sát thường xuyên sẽ kịp thời phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn sai phạm. Còn chưa hẳn là vì mỗi cá nhân có những mối quan hệ xã hội khác nhau. Do đó ý thức tự giác tu dưỡng về mọi mặt của mỗi người là quan trọng nhất vì không ai có thể thay thế họ rèn luyện, tu dưỡng và cũng không ai có thể theo sát mọi việc làm của họ để mà kịp thời cảnh báo, răn đe. Mới hay, lương tâm, phẩm chất đạo đức của mỗi người tác động trực tiếp đến việc làm của người ấy. 

Đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ là công việc hệ trọng. Nếu đánh giá không đúng sẽ dẫn đến không khai thác hết phẩm chất, năng lực, tài năng của cán bộ hoặc sử dụng không đúng người, đúng việc dẫn đến những hậu quá khó lường. Còn kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ là việc làm thường xuyên của tổ chức đảng, tập thể cơ quan, đơn vị trước hết là ở nơi cán bộ công tác. Do đó, khâu đánh giá, giao việc cho cán bộ chỉ có thể đúng khi không có định kiến hay cảm tình cá nhân mà căn cứ vào kết quả rèn luyện, phấn đấu và chất lượng thực thi nhiệm vụ của mỗi người. 

Với hai trường hợp trên, sai phạm của từng người đến đâu, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, tác động từ việc làm sai trái ấy lại không chỉ bó hẹp ở cá nhân mỗi người mà ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, quản lý của chính quyền địa phương. Đây mới là cái mất lớn và không thể lấy lại trong ngày một ngày hai.

Lê Minh   

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...